Nắm bắt xu thế của thị trường, những năm qua nhiều nông hộ, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap vào chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng năng suất, giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh và ổn định đầu ra, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

{keywords}
Chăn nuôi VietGap: Vơi bớt rủi ro thiệt hại kinh tế và sức khỏe cộng đồng

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap được xây dựng trên 4 tiêu chí: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc và truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, việc áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap đem lại nhiều lợi ích cho cả người chăn nuôi, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội như: Tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng; có nhiều lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của nhà sản xuất, chế biến, phân phối; hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi; giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý...

Các hộ tham gia trong vùng dự án được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, được đào tạo kiến thức về quy trình thực hành chăn nuôi tốt. Qua đó, các hộ biết sử dụng các loại thuốc phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi khi mắc bệnh thông thường, từng bước phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc an toàn sinh học gắn với an toàn dịch, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Nắm bắt được xu thế của thị trường và lợi ích mang lại, thời gian qua nhiều nông hộ, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap vào chăn nuôi.

Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên) cho biết: Từ khi áp dụng quy trình chăn nuôi VietGap, sản phẩm của trang trại có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường. Bởi lợn chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap được kiểm soát chặt chẽ từ giống đầu vào, thức ăn chăn nuôi, việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại… đã hạn chế, kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, việc chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình, thời gian nên thịt thơm ngon hơn hẳn so với nuôi tăng trọng. Nhờ đó, trang trại luôn có đầu ra ổn định, giá lợn xuất bán luôn cao hơn so giá thị trường khoảng 2 - 3 giá.

Về lâu dài chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap (nói riêng) hay sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (nói chung) là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp, vì chất lượng và giá cả của sản phẩm luôn ổn định. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của nhà sản xuất, chế biến, phân phối;giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội, hướng tới một ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap còn gặp nhiều khó khăn, bởi ngoài những tiêu chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chăn nuôi thì đòi hỏi người chăn nuôi phải tuân thủ theo đúng quy trình chăn nuôi để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn chưa có sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng, do chưa có sự phân biệt về sản phẩm được chứng nhận VietGap và chưa được chứng nhận VietGap nên chưa khuyến khích được người sản xuất, chăn nuôi.

Để khuyến khích người chăn nuôi, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng quy mô chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với việc triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp tốt, ngày 22/12/2015 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 201/2015/NQ-HĐND về một số cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có nội dung hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản.

Theo đó, nhiều chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap trên địa bàn được triển khai, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao và tạo đầu ra ổn định. Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 50 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận theo quy trình VietGAP. Trong đó, 42 cơ sở chăn nuôi lợn, 3 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 3 cơ sở chăn nuôi gà đẻ trứng và 3 cơ sở chăn nuôi gà thịt. Dự kiến, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap sẽ phát triển mạnh vào năm 2018 và những năm tiếp theo.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap vào chăn nuôi nhằm hạ giá thành, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; chăn nuôi tiếp tục phát triển, tăng trưởng ổn định và là ngành hàng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2021 chăn nuôi chiếm gần 60% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Thanh Hùng