Xúc động tinh thần “chống dịch như chống giặc”

Nhiều thập kỷ qua, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR, 1948) và 2 công ước: Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966) đã trở thành trụ cột của Bộ luật Nhân quyền quốc tế. 

Việt Nam đã trở thành thành viên Liên Hợp Quốc năm 1977 và gia nhập cả 2 công ước còn lại vào năm 1982.

Trong đó, Điều 12 ICESCR được coi là quy định pháp luật quốc tế toàn diện nhất về quyền được chăm sóc sức khỏe. Theo đó, mọi người đều có quyền được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được. 

Các quốc gia thành viên Công ước cần thi hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này.

Trên nguyên tắc bảo vệ quyền con người, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp CNH và HĐH đất nước.

{keywords}

Việt Nam lấy mẫu diện rộng để xét nghiệm Covid-19

Trong lĩnh vực sức khoẻ, Điều 38, Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.

Năm 2017, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục nhấn mạnh 5 quan điểm, 9 nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, phải bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ.

Với hệ thống y tế trải khắp từ trung ương đến địa phương, nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt việc ngăn chặn dịch bệnh, dự phòng và cải thiện sức khoẻ cho người dân, ngay cả những giai đoạn đất nước vô cùng khó khăn về kinh tế.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, Việt Nam trở thành điểm sáng về chống dịch chi phí thấp nhưng hiệu quả, kinh tế tăng trưởng dương, chỉ số phát triển con người tiếp tục được cải thiện.

Ngay từ đầu, Việt Nam quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp từ ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đến điều trị.

Trong thông điệp gửi tới Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 8/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ luôn xác định, có thể phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch Covid-19. Tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 ngày 23/12, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, thành quả chống dịch của Việt Nam không phải thành công qua một đêm mà là thành công có được qua rất nhiều năm chuẩn bị.

Tìm mọi cách để người dân sống an toàn

Song song duy trì các biện pháp chống dịch, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam xác định nếu không có vắc xin ngừa Covid-19, cuộc sống sẽ không thể trở lại bình thường như trước nên ngày từ khi có dịch, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động về nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng như tăng cường tiếp cận các nguồn vắc xin trên thế giới.

“Việt Nam mong muốn có thể sử dụng vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người dân Việt Nam”, Bộ trưởng Y tế nói.

Với nguồn vắc xin bên ngoài, Việt Nam là một trong 92 nước tham tham gia chương trình giải pháp tiếp cận vắc xin Covid-19 toàn cầu và được GAVI COVAX ACM cam kết hỗ trợ. Theo đó, tổ chức này sẽ cung ứng miễn phí vắc xin cho 20% dân số của các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, Việt Nam đang tìm hiểu, liên hệ đặt mua vắc xin của Nga, Anh và Mỹ. Dự kiến cuối quý 1 năm 2021 có thể có những liều vắc xin đầu tiên.

{keywords}

Những tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử vắc xin Nanocovax ngừa Covid-19

Trong nước, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Y tế đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh, thuốc điều trị Covid-19. 

4 đơn vị nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19, bao gồm: Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (Ivac); Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược (Nanogen) đã tích cực nghiên cứu vắc xin hơn nửa năm qua bằng những công nghệ mới nhất.

Ngày 17/12 vừa qua, Nanogen đã chính thức tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nanocovax do công ty sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein, giúp Việt Nam trở thành một trong 42 quốc gia trên thế giới có thể tự sản xuất vắc xin.

Bước đầu, hơn 20 tình nguyện viên sau tiêm thử vắc xin đều có sức khoẻ ổn định. Nếu thử nghiệm lâm sàng diễn ra thuận lợi, đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của loại vắc xin này để xin cấp số đăng ký lưu hành.

{keywords}
Chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 của Việt Nam nhóm liều 50mcg cho các tình nguyện viên.

Ngoài Nanogen, 2 đơn vị khác là Ivac và Vabiotech sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3 tới. 

Bộ Y tế cho biết, thời gian trung bình để nghiên cứu 1 vắc xin mất 7-12 năm, tuy nhiên trong tình huống đại dịch như Covid-19, các nước đều cho phép rút ngắn thủ tục hành chính, tuy nhiên yêu cầu kĩ thuật, công nghệ, khoa học, tính an toàn vẫn phải đảm bảo tuyệt đối.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nghiên cứu vắc xin thành công không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học, của ngành y tế Việt Nam mà đây thực sự là công cụ chống dịch Covid-19 hữu hiệu. Trong bối cảnh giá bán vắc xin trên thế giới khá cao, nguồn cung còn hạn chế, việc đẩy mạnh nghiên cứu vắc xin trong nước là vô cùng cần thiết.

Hiện tại, Nanogen công bố, giá bán vắc xin Nanocovax thành phẩm chỉ khoảng 120.000 đồng/liều, trong khi mức giá chung của các hãng dược lớn trên thế giới dao động từ 300.000 – 1,6 triệu đồng/liều.

Do đó, người dân Việt Nam đang rất kỳ vọng vào nguồn vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước với độ an toàn cao, chi phí rẻ để mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận.

Như vậy có thể thấy, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, Việt Nam vừa triển khai mạnh mẽ các hoạt động chống dịch, vừa tìm mọi cách tiếp cận với các nguồn vắc xin trên thế giới vì mục tiêu cao nhất, đảm bảo mỗi người dân đều được chăm sóc sức khoẻ toàn diện.

Thúy Hạnh