Sáng 30/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Báo cáo với Chủ tịch nước, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho hay hiện tại bệnh viện này đang điều trị cho 58 ca mắc Covid-19, đều là trường hợp nhập cảnh về Đà Nẵng.

Trong đó có 14 bệnh nhân đã có 3 lần xét nghiệm âm tính Covid-19 và 10 bệnh nhân đã âm tính lần 1.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Phúc cho hay, bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị y tế để chữa trị cho các cả Covid-19 kể cả những ca nặng, cùng với sự hỗ trợ của các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 29/4, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế và kết quả đều âm tính với Covid-19.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, địa phương luôn thực hiện nghiêm túc quy trình cách ly đối với các ca nhập cảnh. Hiện nay, Đà Nẵng cũng có kế hoạch dự trữ sinh phẩm, thiết bị y tế để chuẩn bị cho mọi tình huống trong trường hợp có dịch xảy ra.

Trong khi đó, nói về ca bệnh ở Hà Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sau sự việc, Bộ sẽ có cuộc họp đánh giá lại và đưa ra khuyến cáo cho các địa phương thực hiện đúng quy định về các biện pháp cách ly phòng chống dịch.

Sẵn sàng kích hoạt các phương án dập dịch

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kết quả mà Đà Nẵng đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Đồng thời cho rằng, Đà Nẵng là một trung tâm du lịch lớn và hiện số lượng khách du lịch đến địa phương này rất lớn, hàng trăm chuyến bay đến Đà Nẵng đều hết chỗ trong những ngày này.

"Chính vì vậy Đà Nẵng và các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ... phải sẵn sàng kích hoạt mọi hoạt động, phương châm, phương án khác nhau để bao vây, dập dịch nếu có ca bệnh xuất hiện trên địa bàn. Chúng ta đã làm và cần làm tích cực hơn nữa", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước, chỉ có khoanh vùng nhanh, dập dịch nhanh, phát hiện sớm mới giải quyết được dịch bệnh. Đây cũng là kinh nghiệm quý mà các nước đã nghiên cứu ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ thần tốc truy vết.

"Muốn như vậy, hệ thống y tế phải luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. Chính vì vậy mà tôi nghĩ ngành y tế cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thể có nghỉ ngơi lúc này mà phải dành hết thời gian, công sức để giữ gìn và ngăn dịch bệnh.

Nếu khủng hoảng ngành y tế sẽ dẫn đến khủng hoảng nền kinh tế. Ngành y tế từ TƯ đến địa phương phải sẵn sàng trong lúc này. Tinh thần lúc này là phải 5K cộng vắc xin và thêm K thứ 6 là không xâm nhập trái phép, không chất chứa trong gia đình những người lạ mặt, không khai báo y tế", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Đà Nẵng và Bộ Y tế cần thiết phải mở rộng đối tượng tiêm vắc xin trên diện rộng để chủ động phòng dịch đồng thời cần tiếp tục nhập thêm nguồn vắc xin để đảm bảo thêm nhiều người được tiêm phòng.

Bên cạnh đó đề nghị các địa phương phải lấy phòng chống dịch làm ưu tiên, phải kiểm soát nguy cơ dịch từ bên ngoài. Bao gồm nguy cơ từ các nước, từ các trung tâm cách ly, từ các khu vực có dịch...

Tuấn Kiệt, Nguyễn Liên