Theo PGS, TS. Bùi Đình Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chủ động mà còn tích cực tìm hiểu và khám phá thế giới.

Ông Bùi Đình Phong phân tích, Bác Hồ không chỉ đi đến Pháp, Mỹ, Anh, đặt chân qua hầu hết các nước thuộc địa, mà còn tới cả miền Bắc và miền Trung châu Phi và cả Liên Xô.

Trước khi đến với chủ nghĩa Lê-nin, Người ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, vì “về cảm tính tôi thấy mình có mối tình đoàn kết với cuộc cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”. Người tham gia Đảng Xã hội Pháp vì những người trong đảng luôn đồng tình với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức.

{keywords}
Ảnh minh họa.

 

Trăn trở lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là vấn đề đoàn kết với các thuộc địa, cộng đồng quốc tế nào sẽ bênh vực các nước thuộc địa? Vì vậy, tại các cuộc họp chi bộ trong Đảng Xã hội Pháp, Người không chỉ tranh luận mà còn nêu câu hỏi: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba sau khi đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Người đã mở ra một trang mới cho cách mạng Việt Nam trong quan hệ với thế giới.

Từ những minh chứng trên, PGS Bùi Đình Phong nhân mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Từ những nghiên cứu của mình, PGS Bùi Đình Phong cho hay, trong quá trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và sau khi cách mạng thành công năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định luôn đứng về phe đồng minh chống phát xít và “sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào người Mỹ thấy thích hợp”. Trước khi tuyên bố nền độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp, các nước Đồng minh và Liên hợp quốc với tinh thần cơ bản là khẳng định nền độc lập của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với các nước trong việc kiến thiết quốc gia Việt Nam và xây dựng một thế giới tốt đẹp.

Người khẳng định: “Bất kỳ nước nào (gồm cả nước Pháp) thật thà muốn đưa tư bản đến kinh doanh ở Việt Nam, với mục đích làm lợi cho cả hai bên, thì Việt Nam sẽ rất hoan nghênh”. Tóm lại, “Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”.

Ngay sau khi công bố nền độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mong muốn hợp tác với các nước lớn, các tổ chức quốc tế. Người hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Ủy ban tư vấn Viễn Đông và khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện cử đại diện vào Ủy ban này. Người tin chắc rằng tại Ủy ban này, Việt Nam có thể mang lại sự đóng góp có hiệu quả cho việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở Viễn Đông.

Điều đặc biệt là, trong khi kết tội quân xâm lược hiếu chiến ở nhiều quốc gia vi phạm Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phran-xít-cô, trên cơ sở khẳng định nền độc lập vững chắc, mong muốn hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tuyên bố với thế giới về quan điểm thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì hòa bình và thịnh vượng chung.

Ngày 14-1-1946, Người đã có điện văn gửi Chủ tịch Hội đồng Liên hợp quốc và đại diện một số nước tại Hội đồng Liên hợp quốc khẳng định nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập và giữ vững nền độc lập, “thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc”.

Đáng lưu ý là khi yêu cầu tham gia Hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ trách nhiệm và sự đóng góp quan trọng, có ích của Việt Nam trong việc “giải quyết một cách nhanh chóng và hoà bình cho các vấn đề ở Đông Nam Á châu hiện nay”. Xác định trách nhiệm đóng góp của Việt Nam khi tham gia các tổ chức thế giới, đặc biệt là Hội đồng Liên hợp quốc chính là một ứng xử văn hóa chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế.

Quan điểm này được Người duy trì thể hiện một cách nhất quán, xuyên suốt đến tận cuối đời. Trong các thông điệp, thư, điện, công hàm gửi chính phủ các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô, Anh và Hội đồng Liên hợp quốc, trước sau như một, Người đều khẳng định đạt được phồn vinh và hạnh phúc trong nước chính là góp phần nhỏ vào việc xây dựng lại và làm lợi cho toàn thế giới.

Cái “phần nhỏ” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới lại vô cùng lớn. Bởi vì, khi gửi công hàm tới các cường quốc để tham gia vào tổ chức quốc tế, điều đó đồng nghĩa với việc đất nước và người dân Việt Nam đã bắt đầu đồng hành cùng với các nước lớn và “nó sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hòa bình bền vững”.

Hội nhập và hợp tác với thế giới, “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” không chỉ là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn của dân tộc Việt Nam, mà đó còn là chính sách đối ngoại của Việt Nam với những nguyên tắc cơ bản:

1- Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.

2- Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt....

Những nguyên tắc đối ngoại đó là bất di bất dịch kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến khi cả dân tộc phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc trước sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi thế giới chia thành hai phe đế quốc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, một vấn đề lớn đặt ra là phải xác định rõ ai là bạn, ai là kẻ thù. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạn ta là giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức, bóc lột, những lực lượng cách mạng, yêu chuộng hòa bình, công lý, đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tức là những người thiện, việc thiện khắp bốn phương vô sản, khắp bốn biển năm châu. Còn kẻ thù của ta là đế quốc xâm lược, áp bức, bóc lột cùng bè lũ tay sai bán nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lệch lạc trong nhận diện bạn - thù sẽ đem lại những tổn thất không lường được cho cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Người thường xuyên giáo dục nhân dân ta phải phân biệt rõ nhân dân lao động yêu chuộng tự do, hòa bình, công lý ở các nước đi xâm lược là bạn; chỉ có quân thực dân hiếu chiến, quân xâm lược, đế quốc là thù.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, trong khi khẳng định “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng tuyên bố với thế giới rằng: “Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hòa bình và dân chủ. Lính Mỹ hiện nay đang bị đẩy sang đây để giết người và bị giết. Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em… Chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí - nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng đất nước chúng tôi… Tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”.

Hồng Anh (lược trích)