Tại Hội thảo “Phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam phục vụ quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính” mới đây, thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: Với tốc độ phát triển 20 - 30%/năm như hiện nay, theo tính toán, ngành bưu chính, chuyển phát sẽ cán đích doanh thu 6 tỷ USD vào năm 2025.

Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử với quy mô thị trường ước đạt 33 tỷ USD vào năm 2025 đang mở ra cơ hội rất lớn cho bưu chính, chuyển phát. Riêng trong 2 năm trở lại đây, đã có hơn 150 doanh nghiệp tham gia thị trường bưu chính, ước tính đến hết năm 2020 đạt 550 doanh nghiệp.

{keywords}
Nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “Make in Vietnam” sẽ giúp các doanh nghiệp bưu chính tự tin chuyển đổi số, cách mạng hóa các dịch vụ bưu chính. Ảnh minh họa.

“Bưu chính đang trải qua giai đoạn chuyển đổi to lớn để có thể trở thành hạ tầng cho thương mại điện tử. Thị trường bưu chính rất hấp dẫn nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Nếu sở hữu nền tảng công nghệ đáp ứng được nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp đều có cơ hội giành thị phần. Đặc biệt, doanh nghiệp nào mở được cách cửa chuyển đổi số sẽ có cơ hội giành lợi thế lớn trong cuộc chiến khốc liệt này”, Thứ trưởng Phan Tâm lưu ý.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực bưu chính hiện nay cơ bản còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội mà thương mại điện tử mang lại.

Đơn cử ở công đoạn quản lý kho bãi, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), mới có 36% doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát có hệ thống quản lý kho kết nối trực tuyến tới các khách hàng. Do công nghệ quản lý kho còn lạc hậu nên chi phí kho và quản lý kho còn cao, ở nhiều doanh nghiệp chi phí này chiếm trên 20% tổng doanh thu.

Để ngành bưu chính có những bước chuyển đổi mạnh mẽ từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, các dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử phục vụ chính phủ số thì cần có một nền tảng logistics thông minh dựa trên sự đổi mới công nghệ. Một số cải tiến công nghệ có thể cách mạng hóa các dịch vụ bưu chính, chẳng hạn như các nền tảng vận tải, giao hàng hay sự ra đời của các phương tiện không người lái, robot nhà kho..

Theo đại diện Hội Tin học TP.HCM, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp bưu chính, logistics vận hành bộ máy cung ứng - kinh doanh – tài chính – nhân lực trơn tru và hiệu quả nhờ các công nghệ đám mây, dữ liệu lớn, AI và IoT; Điều chỉnh mô hình kinh doanh logistics để hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Duy Linh