Nông Thị Hằng, thôn sinh ra và lớn lên tại Phiêng Rào, xã Năng Khả (Na Hang), nơi được coi là huyện nghèo nhất của tỉnh Tuyên Quang. 

Cú trượt ngã đầu đời

Bản nghèo của người Tày nơi Hằng sinh ra vốn chỉ có rất ít hộ dân. Cái nghèo, cái đói khiến những đứa trẻ nơi đây thường bỏ lớp, rủ nhau lên rẫy hoặc ở nhà trông em cho bố mẹ chứ không thiết tha gì đến con chữ.

{keywords}
Hằng vừa nuôi gà vừa nuôi lợn để tăng thu nhập.

“Với người dân tộc đến cái ăn còn không đủ thì học là điều gì đó xa vời”,  nhưng Hằng là một đứa trẻ ham học. Bố mẹ cô dù không có điều kiện nhưng vẫn cố gắng chắt chịu, làm lụng để cho con được đến trường.  Bố mẹ cô bảo, “Muốn thoát nghèo thì chỉ có con đường học”.

Thế rồi Hằng cũng thi đỗ vào Khoa Toán tin trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngày ấy, con nhà nghèo đi học nên rất vất vả. Cô phải làm thêm đủ việc, bố phải bán trâu, bán gà mới có đủ tiền  cho 4 năm ăn học.

Ra trường, những tưởng ước mơ thoát nghèo của cô gái Tày trở thành hiện thực, thế nhưng những va vấp trong cuộc sống đã khiến Hằng thất bại.

“Mình trở về quê hương với 2 bàn tay trắng cùng đứa con nhỏ tuổi đang tập nói, mọi thứ đối với Hằng đều phải làm lại từ đầu”, Hằng nói.

Đó cũng là lúc xã Năng Khả đang bắt tay vào thực hiện xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh và huyện Na Hang, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nâng cao thu nhập của nhân dân toàn xã phát triển mạnh. Đây là động lực để Hằng bắt nhịp với cuộc sống mới.

“Bản thân gia đình mình khi đó vẫn là một trong những hộ nghèo của thôn. Câu hỏi phải làm gì để thoát nghèo luôn canh cánh trong đầu nên mình quyết định tự đi tìm hiểu những mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh để tạo hướng phát triển kinh tế. Mình nhận thấy rằng, con lợn, con gà, con trâu vốn bao đời nay gắn bó với dân mình vẫn cứ là thế mạnh. Phải thay đổi cách làm đem lại lợi nhuận chứ không đơn thuần chỉ là thứ để cải thiện bữa ăn hàng  như hiện nay”, Hằng trăn trở.

“Đầu tiên, Hằng quyết định đầu tư chăn nuôi lợn và trâu”, cô chia sẻ, phải từng bước phát triển chứ không có vốn để đầu tư một lúc. Khi có hiệu quả, có số lượng thì cô bắt đầu vay ngân hàng nuôi vài chục con lợn thịt và 6 lợn nái để gây đàn. Toàn bộ thời gian còn lại, cô tập trung chăm sóc đàn trâu 5 con.

Đặc biệt, cô cũng bỏ một thửa ruộng để dành riêng trồng cỏ voi làm nguồn cung cấp thức ăn cho trâu.

Thế nhưng, mọi việc không phải khi nào cũng thuận lợi, sau hơn 2 năm gây dựng được tổng đàn trên 100 con lợn thì đúng vào thời điểm lợn mất giá. Bao công sức, tiền bạc mấy trăm triệu bỏ ra gần như mất trắng còn trơ lại mấy con lợn nái.

“May mắn mình còn có được đàn trâu bán đi để gây dựng lại.  Vậy mà vẫn chưa hết rủi ro lại trận dịch tả lợn châu Phi vừa qua mình lại phải bán vội đàn lợn đang tuổi lớn để tránh dịch, giờ mới lại bắt đầu tái đàn”, Hằng cho hay.

Tự vượt lên số phận

Hiện trang trại chăn nuôi của Hằng có khoảng  khoảng 150 con lợn, trên 2.000 con gà.

Năm ngoái, Hằng tham gia vào Hợp tác xã (HTX) thanh niên của xã Năng Khả, trong đó Hằng là một trong 2 thành viên chủ chốt, đây là HTX đầu tiên của huyện Na Hang do chính thanh niên sáng lập và làm chủ. Khởi đầu tham gia, Hằng cùng các thành viên triển khai dự án cung cấp gà giống cho các hộ dân trong vùng.

Hằng cho rằng, việc tham gia HTX thanh niên giúp cho mình mở rộng việc giao lưu học hỏi. Quan trọng hơn nữa cùng với HTX xây dựng chiến lược phát triển trong thời gian tới như thực hiện các dự án đầu tư du lịch cộng đồng, dự án sản xuất mây tre đan, sản xuất con giống, tổ chức chăn nuôi...

{keywords}
Thành viên HTX Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của xã tại gian hàng hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản địa phương.

Hiện nay, HTX đã thực hiện cung cấp trên 2 vạn giống gà, ngan, vịt cho các hộ dân trên địa bàn Na Hang, Lâm Bình; quy tập 40 hộ dân sản xuất mây tre đan. Riêng đối với Hằng, sau đợt dịch Covid-19 sẽ tiếp tục đầu tư thêm khu vực chăn nuôi ngỗng và mở rộng quy mô nâng tổng đàn trâu vỗ béo.

Hành trình từ một cô bé dân tộc thiếu số nghèo  đến với  giảng đường đại học  và trở lại quê hương để làm giàu với Hằng là cả một chặng đường dài.

Hằng chia sẻ, khi còn bé mình tự hỏi: “Đằng sau những ngọn núi cao kia là gì? Có cuộc sống nào đằng sau dãy núi ấy không? Với mình bây giờ em chỉ mong những việc mình làm sẽ đóng góp sức nhỏ bé để phát triển quê hương, để “cái thôn nghèo của mình sẽ không còn nghèo nữa”.

Bà Ma Thị Nhược, Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Rào nhận xét, “Hằng là tấm gương sáng về tinh thần thoát nghèo để mọi hội viên cũng như những người dân Phiêng Rào học tập, noi theo”.

Văn Thường
Ảnh: Tuấn Anh