Hỏi vì sao cô giữ được tình yêu với tiếng Nga lâu như vậy, mặc dù con đường quá nhiều khúc khuỷu, Cô giáo Tâm không trả lời, chỉ cười.

Tốt nghiệp đại học, cô giáo Vũ Thanh Tâm vào Đà Nẵng, là một trong những người đã góp sức xây dựng những viên gạch đầu tiên của bộ môn tiếng Nga cho miền Trung.

“Lúc đó rất khó khăn, cái gì cũng phải xây dựng từ đầu, từ sách vở, phòng học tiếng đến kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng, cũng có cái hay là trước mình không có ai khác, tự mình mở đường cho mình đi, nên cứ bạo dạn mà tiến thôi”, cô giáo Tâm nhớ lại.

6 năm sau đó, một cú sốc lớn đã tác động tới hầu hết những người dạy tiếng Nga ở Việt Nam - Liên Xô tan rã cuối năm 1991. Tại các trường phổ thông, tiếng Nga từ vị trí ngoại ngữ độc tôn dần dần bị đưa ra khỏi chương trình. Cô giáo Tâm và các đồng nghiệp không tuyển được sinh viên.

Những người dạy và sử dụng tiếng Nga bắt đầu phải chuyển hướng, người đi học tiếng Anh để “chuyển đổi tay lái”. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp văn bằng 2 tiếng Anh, cô giáo Tâm vẫn nung nấu quyết tâm đeo đuổi môn tiếng Nga: “Chúng tôi phải nhờ đến báo chí viết bài ủng hộ tiếng Nga. Thậm chí, mỗi khi tuyển sinh, trường in tờ rơi, và giảng viên chúng tôi cũng theo nhà trường đi rải ở các nơi”,

Cô Tâm không phủ nhận, “tiếng Anh giúp tôi có cái nhìn mới mẻ về cách giảng dạy, hay cách ra các bài tập. Mặc dù đã đổi mới nhưng tiếng Nga vẫn thiếu tính thực tế so với tiếng Anh, và hệ thống thi cử phải học tiếng Anh nhiều”, Tâm chia sẻ.

{keywords}
Cô giáo Tâm và các học trò.

Cuối năm 1988, sau khi tập đoàn dầu khí Total SA (Pháp) và 5 tập đoàn quốc tế rút khỏi dự án hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), tập đoàn Zarubezhneft của Nga ký hợp đồng thành lập liên doanh với Petrovietnam. Khoa Nga của Đại học Sư phạm Đà Nẵng  gấp rút tổ chức các lớp dạy phiên dịch.

Nhưng tiếc rằng Zarubezhneft sau đó đã quyết định rời khỏi liên doanh. Khoa tiếng Nga và những sinh viên ít ỏi của họ rơi vào bế tắc. Năm 2008 và 2010, Khoa Nga thậm chí không tuyển được sinh viên nào. Cô Tâm và các đồng nghiệp lại kiên nhân đi phỏng vấn, phát tờ rơi tìm học trò.

Khoảng 7-8 trở lại đây, do lượng du khách đến từ Nga vào miền Trung, ngày càng đông. Nhu cầu về hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, nhân viên khách sạn, hay bán hàng, sử dụng tiếng Nga, nhờ đó tăng nhanh. Cô Tâm và các đồng nghiệp lại hăm hở bước vào sứ mạng mới – đào tạo tiếng Nga cho ngành du lịch.

Chìa khoá để giữ tâm hồn đậm chất văn hóa Nga

Câu lạc bộ tiếng Nga được thành lập. Các buổi liên hoan nói tiếng Nga cũng được tổ chức vào gần những ngày lễ lớn. Dịp đón năm mới là tổ chức to nhất, hát các bài hát Nga, múa các điệu múa Nga rất tưng bừng, quần áo Nga do các sinh viên tự mua vải về cắt trông rất Nga.

Vào dịp hội trại, các khoa cũng tổ chức nấu ăn để thi thố và bán hàng. Trại của khoa Nga, được trang trí theo kiểu Nga, thơm lừng mùi thịt nướng kiểu Nga, bao giờ cũng thu hút thực khách đông nhất.  “Chúng tôi cố gắng thông qua việc tổ chức các dịp lễ hội như vậy để giữ gìn thần sắc Nga, mặc dù tiếng Nga sử dụng ở đó chưa nhiều”, Tâm tiết lộ.

Nhờ có tình yêu với tiếng Nga và những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ. “Khoa tiếng Nga là đơn vị duy nhất cứ 5 năm một lần tổ chức lễ kỷ niệm thành lập khoa, từ năm 2000, và cựu sinh viên về rất đông, năm ngoái có tới 800 em về. Có những em còn mang cả vợ con”, Cô Tâm tự hào kể.

Khác với thời trước, những người yêu tiếng Nga đã sử dụng tiếng Nga vì là tiếng của Lê Nin, sinh viên bây giờ khác rồi họ đến với tiếng Nga vì nhiều lý do thực dụng hơn. Cô Tâm chia rẻ rằng, điều đó không quan trọng. Cô luôn nằm lòng rằng, sẽ dạy cho các em hiểu về nét đẹp thật sự của văn hóa nghệ thuật và văn học Nga. Cô Tâm và các đồng nghiệp đã dành rất nhiều thời gian để phân tích những bài thơ nổi tiếng của Pushkine, hay tiểu thuyết của Lev Tolstoi.

“Tôi dạy học trò rằng đọc sách là chìa khóa mở kho tri thức ngoại ngữ, nhất là trong môi trường thiếu tiếng bản ngữ như Đà Nẵng. Chính từ việc học ngôn ngữ qua ngữ cảnh của từng cụm từ, từng câu trong sách, như các cuốn truyện Nga, sẽ giúp người học hiểu nghĩa từng từ vựng rộng hơn, thẩm thấu tiếng bản ngữ hơn là cứ gặp từ mới lại tra từ điển”, cô tâm Tâm bộc bạch.

Tại sao trên trời những vì sao lấp lánh…

Nếu tính cả thời gian học phổ thông và đại học, đến khi về hưu (năm 2018) cô giáo Tâm có khoảng 40 năm gắn bó với tiếng Nga.

Cô bộc bạch, may mắn lớn nhất trong đời là được sống trong thế giới sách từ những ngày đi học. Cô Tâm đã yêu ngôn ngữ xứ Bạch Dương từ những cuốn truyện Nga mà cô đọc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

5 sinh viên vừa tốt nghiệp vào Đà Nẵng cùng đợt với cô Tâm năm 1985, đến nay người thì bỏ nghề, người thì chuyển công tác, chỉ còn mỗi mình cô Tâm vẫn đau đáu với nghề.

Hỏi vì sao cô giữ được tình yêu với tiếng Nga lâu như vậy, mặc dù con đường quá nhiều khúc khuỷu, Cô Tâm không trả lời, chỉ cười.

Tự nhiên, người viết nhớ lại hai câu thơ của Mayakovski, thời ông còn sáng tác thơ lãng mạn chứ chưa chuyển sang thơ chính luận bậc thang: Tại sao trên bầu trời những vì sao lấp lánh/Bởi, dưới này, có ai đó vẫn nhìn lên…

Nhờ thành tích học xuất sắc, sinh viên năm thứ 3 Khoa tiếng Nga Vũ Thanh Tâm đã cùng 2 sinh viên khác đại diện cho trường được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về khoa học kỹ thuật.

Sau đó, Vũ Thanh Tâm lại vinh dự cùng 19 sinh viên khác được chọn lên sân khấu của Hội trường Ba Đình nhận phần thưởng do Đại tướng trực tiếp trao tặng.

“Tôi vẫn còn giữ nguyên chiếc bút có khắc dòng chữ “Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng”. Nó vẫn còn mới nguyên. Không phải vì tôi tiếc không dám viết, mà chiếc bút đó viết không ra mực”, cô giáo Tâm cười hóm hỉnh.

Huỳnh Phan