Về cơ hội, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á năng động và tăng trưởng nhanh. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là điểm đến quan trọng của các công ty đa quốc gia và xuyên quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam. Công nghệ số trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể tạo ra quy mô và tốc độ phát triển nhanh, mạnh chưa từng có trong lịch sử về kinh tế, xã hội, môi trường trên toàn cầu, trong khu vực và trong từng nền kinh tế. Hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta đã và đang ngày càng sâu rộng.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, trong đó có EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, với những cam kết chưa từng có về quyền người lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đấu thầu và mua sắm công, bảo vệ sở hữu trí tuệ... đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang dần được hình thành và phát triển. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực. Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42/129 về đổi mới sáng tạo toàn cầu. Nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam vẫn còn dồi dào và có tiềm năng lớn nếu được đào tạo tốt.

{keywords}
Ảnh minh họa

Về thách thức, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Chất lượng đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực theo ngành, nghề, lĩnh vực, sự phân bố theo vùng, miền, địa phương chưa thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, phát triển, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp còn thấp. Thiếu nhiều cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi, đặc biệt là các chuyên gia về công nghệ. Thiếu sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, thiếu các tổ chức trung gian của thị trường khoa học - công nghệ dẫn đến khoa học - công nghệ chưa làm tốt vai trò cung cấp công nghệ, tạo ra các phát minh, sáng chế trong phát triển các ngành công nghiệp mới phục vụ cho phát triển công nghiệp. Hệ thống các cơ quan nghiên cứu, trường đại học chưa thực sự làm tốt vai trò cung cấp các giải pháp và kết nối với doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Chi cho nghiên cứu và phát triển còn thấp, chưa có sự tham gia nhiều từ khu vực doanh nghiệp. Việc thực hiện các chính sách đã ban hành về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Đến nay, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy có được cải thiện nhưng vẫn chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Năng lực áp dụng và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, vừa tạo ra cơ hội cho phát triển nhưng cũng đem đến nhiều thách thức mới. Đó là thách thức phải có những đổi mới trong tư duy và sáng tạo, có cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phải có những cải cách mạnh mẽ về thể chế thị trường của nền kinh tế để mở rộng không gian và tạo động lực mới cho huy động cũng như sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; phải có cơ chế khuyến khích và tạo môi trường, điều kiện để tất cả các tầng lớp nhân dân đều tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo.

Nguyễn Liên