Tương tự như những ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên quyền con người tại các quốc gia trên thế giới, người dân Việt Nam cũng đã phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên khả năng thụ hưởng những nhóm quyền con người cơ bản.

Đảm bảo quyền được sống và bảo đảm sức khoẻ cho mọi người dân

{keywords}
Đảm bảo quyền được sống và bảo đảm sức khoẻ cho mọi người dân

Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 năm 2020, Chính phủ đã hỗ trợ xét nghiệm đối với hơn 1,2 triệu trường hợp thuộc các nhóm đối tượng cần theo dõi, với hơn 58,8% là xét nghiệm RT-PCR. Đối với những trường hợp áp dụng các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế gồm: ca bệnh nghi ngờ nhiễm, ca bệnh có thể nhiễm hoặc ca bệnh xác định nhiễm Covid-19, đều được hỗ trợ chi phí cách ly tại các trại cách ly tập trung, các cơ sở y tế xuyên suốt quá trình khám, chữa bệnh.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã gia nhập “cuộc đua" tìm kiếm vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trở thành một trong số 40 nước đầu tiên thử nghiệm vaccine lên người. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các nhà sản xuất trong nước tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin. Hiện nay, có 04 đơn vị tham gia nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID 19, dự kiến trong năm 2021 sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II, III tại Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu trong nước, Việt Nam cũng tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác thông qua cách tiếp cận, trao đổi trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài. Song song với việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc xin, Bộ Y tế cũng chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc xin COVID 19. Bộ Y tế đã ban hành quy định cụ thể về việc cấp phép và thử nghiệm lâm sàng tại Quyết định số 3659/QĐ- BYT ngày 21/8/2020 Hướng dẫn về nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đăng ký lưu hành, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam để đảm bảo tính kịp thời trong chữa trị Covid-19 cho người dân.

Tích cực bảo hộ công dân

{keywords}
Toàn bộ phi hành đoàn được trang bị đồ bảo hộ y tế đặc chủng đến sân bay Bata
của Guinea Xích đạo đón công dân Việt Nam về nước

Tuy việc “giãn cách xã hội" đã làm gián đoạn kinh tế và chất lượng đời sống của người dân, thế nhưng nhờ chính những biện pháp quyết liệt như vậy, Việt Nam đã thành công ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước không có sự lây lan rộng trong cộng đồng trong suốt 3 tháng trở lại đây.

Song song với đó, phải kể đến công tác giải cứu công dân của Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam đã liên tục phối hợp, trao đổi với các nước nhằm thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu người dân sinh sống tại nước ngoài. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), dưới sự giúp đỡ của các hãng hàng không Việt Nam liên tục có những chuyến bay giải cứu công dân với nhiều nước trên toàn thế giới; tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp với các đại sứ quán/ văn phòng kinh tế, văn hoá Việt Nam cùng các địa phương liên quan tổ chức các chuyến bay tới những địa điểm chưa có kế hoạch giải cứu; và chủ động thông tin, minh bạch về các chuyến bay để hỗ trợ người dân đăng ký tránh việc bị lợi dụng, lừa đảo.

Những công dân được giải cứu là người Việt Nam sẽ được hỗ trợ cách ly tại nhiều địa điểm khác nhau theo yêu cầu. Tính đến nay, Việt Nam đã đưa được khoảng 50 nghìn công dân từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác về dịch bệnh

{keywords}
Nhờ chính sách thông tin minh bạch, luôn cập nhật tình hình về dịch bệnh đã giúp nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ bản thân và cộng đồng của người dân và khiến người dân đồng lòng, sẵn sàng hợp tác trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả. Ảnh minh họa.

Nhờ chính sách thông tin minh bạch, luôn cập nhật tình hình về dịch bệnh đã giúp nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ bản thân và cộng đồng của người dân và khiến người dân đồng lòng, sẵn sàng hợp tác trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Đồng thời, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển đổi số, số hoá nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như giáo dục, y tế, thương mại.... và trong cả các hoạt động của chính phủ; thiết lập nhiều nền tảng liên quan tới chất lượng bưu chính, viễn thông nhằm thoả mãn nhu cầu của người dân; giúp đảm bảo sinh hoạt của người dân không bị gián đoạn.

Quá trình chuyển đổi số là một bước tiến lớn, giúp vực dậy nền kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu những rủi ro và nguồn vốn hiện đang hạn hẹp thậm chí là trong bối cảnh Covid-19.

Những thành tựu của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác bảo hộ công dân của Việt Namcũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về các phương pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Hòa Bình