Hỏi nhà ông Tùng ở thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng), chúng tôi được chỉ theo con đường dốc dẫn tới tận cổng.  Căn nhà tuy rất khang trang nhưng cũng ẩn sau đó là một câu chuyện dài về việc làm kinh tế của người cựu chiến binh sau khi xuất ngũ.

Trước đó, như bao thanh niên khác ở quê nhà, ông Tùng lên đường nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, trở về quê hương tại thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) cuộc sống của người cựu chiến binh gặp rất nhiều khó khăn do không có đất sản xuất.

Ông kể, “Dù rất chăm chỉ, nỗ lực phát triển kinh tế nhưng do An Lạc Thôn là vùng đât nghèo, cộng với giá cả thị trường không ổn định nên cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn”.

Với niềm tin "rời tay súng, chắc tay cày", quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất của mình, ông Tùng đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.

Ông cho hay, năm 2006, địa phương phát động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

“Tôi là  người đầu tiên trong ấp đã mạnh dạn cải tạo toàn bộ diện tích đất của gia đình chuyển sang trồng màu. Lúc đó hoa màu được trồng theo mô hình nhà lưới đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng”, ông nhớ lại.

Đến năm 2008, gia đình ông được Hội Cựu chiến binh thị trấn xem xét và giới thiệu vay vốn ưu đãi của ngân hàng 20 triệu đồng.

“Có tiền, tôi mua 2 con bò về nuôi. Sau thời gian, bò sinh sản nhanh, nâng tổng đàn lên 20 con, tôi thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Từ đó kinh tế gia đình đi lên trông thấy”, ông hồ hởi kể.

{keywords}
Hiện mô hình sản xuất và chăn nuôi của cựu chiến binh Trần Thanh Tùng được Hội cựu chiến binh thị trấn và Hội cựu chiến binh huyện chọn nhân rộng khắp trong các cấp hội và hội viên.

Đang đà làm ăn thuận lợi, ông Tùng mua thêm đất để canh tác dưa hấu, mỗi năm 2 vụ, ông thu hoạch được hàng chục tấn dưa/vụ. Nhờ đó mỗi năm, ông có thêm từ 200 - 250 triệu đồng.

Không chỉ tự lực vươn lên làm giàu, ông còn hỗ trợ bò giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau màu, chăn nuôi cho các hội viên Cự chiến binh và hộ nghèo trong ấp thực hiện, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau đó ít năm, thấy chiếc cầu tạm  gần nhà gây bất tiện cho việc đi lại của gia đình và người dân, ông Tùng mạnh dạn đứng ra ủng hộ  tiền, kêu gọi thêm từ các cựu chiến binh khác và bà con trong ấp đóng góp để xây dựng chiếc cầu bêtông mới.

‘Đến mỗi nhà, tôi kêu gọi bà con có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu, còn bao nhiêu tôi sẽ bù’ - ông nói.

 Ngoài xây cầu, ông Tùng còn đứng ra sửa chữa nhà ở bị xuống cấp cho gia đình chính sách, hộ nghèo; làm lộ đal, giúp bà con đi lại thuận tiện.

Ông cũng vận động hiến đất xây dựng 2 điểm trường học; phát động nhân dân trong ấp giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Sự đóng góp của cự chiến binh Trần Thanh Tùng đã góp phần giúp ấp An Bình nhiều năm liền được trên xét và công nhận ấp văn hóa. Riêng cá nhân ông Tùng được CCB trong ấp tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp và Trưởng Ban bảo vệ dân phố thị trấn An Lạc Thôn.

Nhận xét về những đóng góp của ông Tùng cho cộng đồng địa phương, Chủ tịch Hội CCB thị trấn An Lạc Thôn Trần Văn Tiễn cho biết: “Cựu chiến binh Trần Thanh Tùng dù xuất thân từ gia đình nghèo, nuôi mẹ già ở độ tuổi xế chiều, nhưng với ý chí và nghị lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ông đã vượt qua mọi khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi”.

Trưởng Công an thị trấn An Lạc Thôn Nguyễn Hoàng Lộc  cũng cho hay, “Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Tùng luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt đi đầu trong vận động các thành viên của ban bảo vệ dân phố tích cực phối hợp cùng lực lượng Công an thị trấn tuần tra, canh gác, kiểm soát an ninh, trật tự.

Ngoài ra, ông cũng tham gia vận động các hộ kinh doanh mua bán không lấn chiếm lòng lề đường. Tuyên truyền, vận động nhiều hộ kinh doanh đóng góp tiền lắp đặt hệ thống camera an ninh… Nhờ đó, liên tục nhiều năm liền tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thị trấn luôn được đảm bảo ổn định; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí”.

Hiện mô hình sản xuất và chăn nuôi của cựu chiến binh Trần Thanh Tùng được Hội cựu chiến binh thị trấn và Hội cựu chiến binh huyện chọn nhân rộng khắp trong các cấp hội và hội viên, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Kế Sách ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Hồng Hạnh
Ảnh: Phạm Thiện