Ngày 22/5/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Đề án 715), trong đó quy định từ năm 2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trực tiếp biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP). Ngày 28/7/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 5167/BKHĐT-TCTK gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP.

Tích cực triển khai Đề án 

Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP” ban hành kèm theo Công văn số 5167/BKHĐT-TCTK của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Cục Thống kê tham mưu Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhằm cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý đối với các sở, ban, ngành trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

{keywords}
Đà Nẵng 175

UBND thành phố đã giao Cục Thống kê là đầu mối thực hiện chức năng tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan củng cố và tăng cường tổ chức bộ máy thống kê của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp Nhà nước ở địa phương; đồng thời chỉ đạo các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố cung cấp thông tin cho Cục Thống kê để tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) theo nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở báo cáo của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ báo cáo thống kê định kỳ và kết quả điều tra thường xuyên, định kỳ đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, UBND thành phố giao Cục Thống kê chịu trách nhiệm tổng hợp và giải trình kết quả tính toán các chỉ tiêu đầu vào tính GRDP với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); đồng thời tiếp nhận kết quả tính toán và công bố số liệu GRDP của Tổng cục Thống kê, phân tích và giải trình trước UBND thành phố về kết quả tính toán được công bố.

Kết quả thực hiện Đề án 715

Việc tính GRDP tập trung tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã tạo được tính thống nhất về mặt số liệu giữa các sở, ngành và Cục Thống kê, hạn chế mâu thuẫn giữa các số liệu thống kê; hạn chế việc tính trùng đối với các phân ngành kinh tế giữa các sở, ngành do chưa phân biệt rõ giữa ngành kinh tế quốc dân và ngành quản lý đối với một số hoạt động kinh tế có nhiều sở, ngành quản lý như: Thông tin truyền thông, Du lịch, Công  Thương, Giao thông vận tải,…

Kết quả số liệu GRDP khi tính toán tập trung đã quét được hết toàn bộ các chi nhánh, văn phòng đại diện của các Tập đoàn, Tổng Công ty và các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt ngoài thành phố Đà Nẵng, đồng thời loại trừ được các chi nhánh đóng tại các tỉnh, thành phố khác của các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại Đà Nẵng. Đây là một trong những hạn chế, trở ngại lớn nhất trong việc thu thập số liệu nếu giao cho địa phương tính toán, tổng hợp. Do đó kết quả số liệu GRDP do Trung ương công bố phản ánh toàn diện và đầy đủ hơn quy mô toàn nền kinh tế trên địa bàn.

Công tác tiếp nhận kết quả tính toán và công bố số liệu GRDP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được địa phương thực hiện đúng quy trình và trong thời gian qua, từ khi thực hiện Đề án, thành phố Đà Nẵng chỉ sử dụng duy nhất kết quả GRDP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn định kỳ 6 tháng và cả năm.

Trong quá trình thực hiện Đề án, Bộ Kế hoach và Đầu tư cũng đã tiến hành rà soát, đánh giá bổ sung quy mô tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2010-2017 cho các tỉnh, thành phố.

Năm 2020 là năm chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố, kết quả đánh giá lại quy mô GRDP giai đoạn 2010-2017 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện và công bố đã kịp thời giúp địa phương đánh giá, phân tích tình hình kinh tế - xã hội trong cả nhiệm kỳ 2015-2020 sát thực tế, so sánh được với nhiệm kỳ trước trong cùng phạm vi (không bị đứt gãy dãy số liệu), đặc biệt đối với các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng GRDP, quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, năng suất lao động xã hội và các chỉ tiêu liên quan khác.

Những hạn chế, bất cập

Thời gian công bố số liệu ước tính năm vào ngày 30/11 hàng năm tương đối muộn đối với việc tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch cho năm sau của thành phố kịp trình HĐND thành phố trước kỳ họp HĐND thành phố cuối năm.

Đề xuất, kiến nghị

Nghiên cứu thời gian công bố số liệu GRDP phù hợp hơn để việc phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cuối năm kịp thời và có cơ sở để xây dựng kế hoạch, đề xuất các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm tiếp theo.

Đề nghị ngành Thống kê cần tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thống kê và các Nghị định, văn bản liên quan đến đối tượng cung cấp và sử dụng thông tin thống kê góp phần thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao.

Đề nghị các Bộ, ngành cần triển khai đồng bộ các chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia kết hợp với các chỉ tiêu thống kê sở, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, đồng thời củng cố và tăng cường nhân lực, đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác thống kê tổng hợp ở các sở, ban, ngành tiếp cận các phương pháp thống kê mới, tạo tính thống nhất về mặt số liệu và phương pháp luận đối với các chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành và chỉ tiêu thống kê do ngành Thống kê tổng hợp và công bố.

Hoàng Đức, Diệu Bình