Nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh hệ sinh thái, do vậy, việc bảo đảm an ninh nguồn nước có thể hiểu là phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, về kết cấu hạ tầng ngành nước, để cân bằng nguồn nước phục vụ các mục tiêu KT-XH và môi trường.

{keywords}
Đảm bảo an ninh nguồn nước để phát triển bền vững kinh tế-xã hội

Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có nguồn nước dồi dào, với tổng lượng nước mặt khoảng 8,33 tỷ m3/năm. Song trong quá trình phát triển KT-XH, Quảng Ninh đã và đang ngày càng phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước. Đó là tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước; thách thức với nguồn nước cấp cho du lịch. Đặc biệt, theo kết quả tính toán của Viện kỹ thuật công trình (Bộ NN&PTNT) cho thấy, đến năm 2025, tổng nhu cầu về nước của cả tỉnh tăng 30% so với hiện tại, trong đó nhu cầu nước cho công nghiệp, du lịch, dịch vụ sẽ tăng đột biến, khoảng 109% và sẽ tăng 125% vào năm 2030.

Trước nhu cầu dùng nước ngày càng lớn và để phát triển bền vững KT-XH của tỉnh, đòi hỏi phải nghiên cứu các giải pháp mới, bổ sung về quy hoạch hệ thống cấp nước, cũng như xây dựng bổ sung về quy hoạch hệ thống cấp nước, hệ thống hồ chứa. Do đó, việc xây dựng đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Để từ đó, tỉnh có những hoạch định, chiến lược đảm bảo sự phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn nước; đáp ứng nhu cầu cấp nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phòng chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; làm cơ sở cho kế hoạch đầu tư phát triển thủy lợi, thủy sản, du lịch biển.

Văn Điệp