Tiếp cận thông tin là yếu tố cực kỳ quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Bài học thực tế ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy việc che giấu, thiếu minh bạch thông tin về bệnh có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong kiểm soát dịch.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiếp cận thông tin liên quan đến dịch Covid-19, ngày 19/3/2020 các chuyên gia quốc tế, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt đã ra tuyên bố chung kêu gọi các chính phủ cần cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng và rộng rãi về dịch bệnh.

{keywords}
Ảnh minh họa

Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh cho người dân, Chính phủ, Bộ Y tế đã có chủ trương ngay từ đầu là Việt Nam luôn công khai tình hình của dịch với người dân và thế giới. Việt Nam xác định nguyên tắc đầu tiên trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 là công khai, minh bạch, không giấu dịch và coi đây là một biện pháp để đẩy lùi dịch bệnh.

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã áp dụng nhiều phương thức, cấp độ truyền thông khác nhau nhằm bảo đảm tiếp cận và minh bạch thông tin đồng thời cũng tránh gây hoang mang, hoảng loạn trong xã hội. Cụ thể, người dân đã được cung cấp đầy đủ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới, thông tin về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh qua nhiều phương tiện truyền thống khác nhau, kể cả qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại. Đồng thời, Việt Nam cũng đã triển khai các kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến, khuyến cáo của chuyên gia, các bộ ngành và người dân về các đề xuất, sáng kiến phòng ngừa dịch bệnh.

Viễn thông đảm bảo về thông tin liên lạc, kết nối các bệnh viện, cơ sở y tế phục vụ quản lý, cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, đảm bảo thông tin liên lạc miễn phí các đường dây nóng phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ TTTT về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội về nhu cầu làm việc, học tập từ trực tuyến của người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh (Các DNVT đã tập trung nguồn lực, triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ TTTT trong công tác phòng chống dịch, bệnh Covid-19 như thiết lập hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan nhắn tin tuyên truyền riêng trong đợt dịch thứ nhất, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ TTTT đã chỉ đạo thực hiện 11 đợt nhắn tin với hơn 15 tỷ tin nhắn); miễn cước cuộc gọi đến số hotline; miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế; thay đổi logo; cài đặt âm báo; vận động ủng hộ qua cổng 1407 (2,6 triệu tin nhắn ủng hộ hơn 152 tỷ đồng), tăng 50% dung lượng data tất cả các gói cước khách hàng đang sử dụng và đăng ký mới với mức cước không đổi; tăng gấp đôi băng thông tất cả các gói cước FTTH với mức giá giữ nguyên trên toàn quốc; cung cấp wifi miễn phí tại các khu vực cách ly tập trung đông người góp phần nâng cao ý thức của người dân và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh).

Tháng 4/2020, Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC công bố số liệu thống kê của gần 30.000 người dùng trong Q1/2020 cho thấy chất lượng kết nối Internet Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn, một số thống kê cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế trong quý 1 năm 2020. Cụ thể, tốc độ Download trung  bình của các mạng cố định bằng rộng đạt 61,69 Mbps, cao hơn 45% so với kết quả đo do hệ thống nước ngoài đã công bố. Đối với mạng di động, số liệu Download trung bình đạt 39,44 MBps cũng cao hơn 18,7%. Kết quả cho thấy chất lượng truy cập Internet Việt Nam cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, một số thông số cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế. Điều này phản ánh nỗ lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam trong việc đảm bảo chất lượng kết nối Internet phục vụ cho hoạt động kinh tế, xã hội khi nhu cầu sử dụng Internet tăng đột biến trong đại dịch Covid-19.

{keywords}
Ảnh minh họa

Đã có trên 16 doanh nghiệp trực tiếp triển khai trên 20 ứng dụng khác nhau phục vụ phòng, chống dịch. Công nghệ của thời đại 4.0 đã trở thành lá chắn bảo vệ cộng đồng. CNTT thực sự trở thành vũ khí đắc lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, số liệu đến tháng 6/2020 cho thấy, ứng dụng NCoVi được hoàn thành trong 48 giờ; ứng dụng Bluezone được hoàn thành trong 2 tuần; 12.000 cơ sở y tế được cấp tài khoản Hệ thống tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu ứng dụng; trên 10 triệu bản ghi khai báo y tế toàn dân qua ứng dụng NCoVi; gần 700 nghìn tờ khai y tế nhập cảnh; hơn 200 nghìn thuê bao di động được sàng lọc, nhắn tin đề nghị khai báo y tế và hướng dẫn cách ly; đầu số 19009095 tiếp nhận và giải đáp hơn 630 nghìn cuộc gọi, tỷ lệ kết nối thành công đạt trên 99%; hơn 15 tỷ tin nhắn phòng, chống Covid đã được gửi; Quản lý thông tin về 328 ca nhiễm, 858 ca nghi nhiễm, hơn 300 nghìn trường hợp cách ly; Báo chí, truyền thông cung cấp cho người dân thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội.

Bộ TTTT, Bộ Y tế thực hiện theo dõi thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hằng ngày trên báo chí đối ngoại; thực hiện Báo cáo tổng hợp dư luận quốc tế và kinh nghiệm thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19 hằng  tuần để cung cấp cho các cơ quan báo chí trong nước tham khảo thông qua ban truyền thông - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Ban hành văn bản số 1090/BTTT-CBC ngày 31/3/2020 của Bộ TTTT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; cử người phát ngôn, có đầu mối cung cấp thông tin hoặc có thông cáo báo chí về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn để báo chí đưa tin chính xác; thông tin về các giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 532/QĐ-BTTTT ngày 10/4/2020 về việc giao nhiệm vụ và phê duyệt Kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, giao Cục Báo chí lựa chọn 40 cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn (trong đó có 30 cơ quan báo chí trung ương, 10 cơ quan báo chí địa phương) để ký hợp đồng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với cơ quan báo chí (đơn vị sản xuất nội dung trong chi phí thuê bao đường truyền, máy chủ...

Động thái này một mặt giúp người dân tiếp cận được đầy đủ thông tin về dịch bệnh qua báo chí, mặt khác, đây là nguồn cứu trợ tuy nhỏ nhưng vô cùng kịp thời giúp báo chí vượt qua khó khăn trong bối cảnh ddại dịch Covid-19 khiến phần lớn các tòa soạn sụt giảm doanh thu từ 30 - 50%, có nơi giảm tới 60%.

Đó là những minh chứng sống động về việc Nhà nước Việt Nam đã đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Đây là một điểm cộng tích cực mà Chính phủ Việt Nam đã thành công trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo mọi người dân được sống an toàn, thông qua đó giúp tạo dựng niềm tin và huy động sự đồng lòng của toàn dân trong ứng phó với đại dịch này.

Hồng Hường