Đất mặn thoát nghèo

Năm 2003, người dân Cát Hải bỗng phát hiện vùng đất của mình được thiên nhiên ưu đãi ban cho mạch nước ngầm rất dồi dào, phát hiện này đã mở ra hướng làm ăn mới.

Thế là gần cả ngàn chiếc giếng đóng ra đời. Những diện tích canh tác mỗi năm 1 vụ lúa nhanh chóng được thay thế bằng cây hành, đậu phộng.

Hành và đậu phộng thích hợp với đất cát nên phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế rất cao, hơn hẳn trồng lúa. Chẳng bao lâu, cây hành và đậu phộng nhanh chóng phủ kín đồng đất Cát Hải và trở thành cây làm giàu cho người dân nơi đây.

{keywords}
Nông dân Cát Hải, Bình Định đang thu hoạch đậu phộng.

Theo ông Võ Kế Cu (Cát Hải, Bình Định), mỗi năm, gia đình ông sản xuất 6 sào đậu phộng, 2 sào hành, thu nhập đều đặn trên 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng/năm.

“Số tiền này là cực lớn, gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ sống trên mảnh đất mặn này mà làm được như thế”. Ông cho biết, cũng nhờ số tiền đó mà gia đình ông thoát khỏi cảnh nghèo đói, bắt đầu có chút tiền dư giả.

Vài năm trở lại đây, bà con trong thôn đã lắp đặt thiết bị tưới phun nước tự động trên ruộng hành, ruộng đậu phộng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước.

Tương tự, ông Lượng Văn Hòa, trú cùng thôn Vĩnh Hội cũng cho biết, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa, giá trị kinh tế không cao nên nên cái nghèo bao năm vẫn đeo bám. Song, từ khi chuyển sang trồng hành và đậu phộng cuộc sống gia đình ông sung túc hơn.

Với 2ha trồng đậu và hành sau khi trừ hết chi phí trồng, chi phí phân bón, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được khoảng trên 100 triệu đồng, thành hộ khá giả ở nơi này

Hồi sinh một vùng đất

Ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, kể: từ năm 2002 trở về trước, dù Cát Hải là vùng quê thuần nông nhưng chỉ có 1 hồ chứa nước nhỏ tại thôn Tân Thắng, hồ này chỉ tưới được khoảng 40ha.

Một hồ chứa khác ở thôn Vĩnh Hội còn nhỏ hơn, chỉ tưới được chừng 10ha. Hàng trăm héc ta đất canh tác lúa còn lại đều ăn nước trời.

Do đó, dẫu mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa đông xuân mà năng suất rất thấp, không quá 45 tạ/ha, người dân chẳng đủ gạo ăn, đi đến đâu cũng gặp cái nghèo, cái đói.

Từ năm 2003, những diện tích canh tác mỗi năm 1 vụ lúa nhanh chóng được thay thế bằng cây hành, đậu phộng.

Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những diện tích chuyển từ trồng lúa sang trồng cây đậu phộng hiệu quả kinh tế tăng cao gấp 4 lần. Những diện tích từ trồng lúa sang trồng cây hành hiệu quả kinh tế còn tăng cao hơn, gấp 6 – 7 lần.

Hiện nay, người dân xã Cát Hải sản xuất cây màu quanh năm, mỗi năm làm đến 3 vụ với công thức: Vụ hè trỉa đậu phộng, thu hoạch xong vụ đậu phộng hè họ tiếp tục trồng hành vụ thu và làm tiếp hành vụ mùa.

Cây hành vụ đông xuân 3 tháng mới thu hoạch, nhưng hành vụ hè và vụ mùa chỉ từ nông dân bán tươi hành củ và hành lá củ nên chỉ từ 1 tháng 5 ngày đến 1 tháng 10 ngày là thu hoạch. Nông dân ở đây chỉ bán sản phẩm tươi, rất ít người phơi khô rồi mới bán như nông dân các nơi khác.

Đậu phộng nhổ lên là bán tươi ngay tại ruộng, hành cũng vậy, vừa nhổ lên khỏi đất là đã có thương lái đến thu mua. Hiện hành tươi có giá từ 15.000đ – 25.000đ/kg, đậu phộng tươi có giá từ 12.000đ – 15.000đ/kg.

Ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay, “Đất đẻ ra tiền quanh năm, nhờ đó mỗi héc ta đất canh tác cây màu ở Cát Hải bình quân mỗi năm cho nông dân thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Nông dân nơi đây không những thoát nghèo đói mà còn có của ăn của để nên đã phát triển thêm nghề đánh bắt thủy sản”.

Hồng Liên
Ảnh: Anh Duy