Vai trò quan trọng

Sau vụ việc của ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre,... từng bị các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chân đăng ký trước ở nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc hoạch định chiến lược đăng ký nhãn hiệu của mình ra nước ngoài khi có kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với việc chưa chú trọng đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ cho nông sản tại các thị trường nước ngoài thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ dẫn đến việc giá và khả năng cạnh tranh của nông sản thấp.

Người tiêu dùng ít biết đến nông sản Việt Nam; khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Và dĩ nhiên, việc mất thương hiệu, giả mạo, tranh chấp, vướng mắc thủ tục sẽ là điều khó tránh khỏi, từ đó dẫn đến vướng mắc khi xuất khẩu nông sản tại cơ quan hải quan nước ngoài.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước để tự bảo hộ sở hữu trí tuệ của các sản phẩm mang bản quyền sáng chế của mình tại các thị trường nhập khẩu có nhu cầu.

{keywords}
Bài học xây dựng thương hiệu Việt từ gạo 

Đăng ký càng sớm càng tốt

Theo luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc Công ty luật IB Legal Việt Nam, các doanh nghiệp trước khi đưa sản phẩm sang thị trường nào, ngay trước khi đề xuất hợp tác với đối tác ở nước đó cũng phải tiến hành đăng ký bảo hộ. Bởi vì rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài luôn tìm cách tận dụng cơ hội để ‘lấy’ nhãn hiệu của doanh nghiệp đối tác thành của mình. Chính vì thế, ông Thoại cho rằng, phải đăng ký bảo hộ thương hiệu càng sớm càng tốt.

“Doanh nghiệp nên nhìn nhận việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như một khoản đầu tư lớn và bền vững. Nếu để thương hiệu lọt vào tay đối tác khác, doanh nghiệp có thể bị mất thị trường, kiện tục tranh chấp kéo dài tốn kém. Các doanh nghiệp cần có thái độ, hành động chủ động đầu tiên để bảo vệ những “đứa con” của mình, đừng để thêm những vụ việc tương tự như trên diễn ra!”, ông nói.

Trước tiên, doanh nghiệp cần phải xác định cụ thể danh sách các quốc gia dự định sử dụng nhãn hiệu mang các sản phẩm/dịch vụ mà mình cung cấp trong tương lai gần và tương lai xa để lên kế hoạch tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia đó theo thứ tự ưu tiên. 

Để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét việc chọn các phương án như đăng ký trực tiếp nhãn hiệu của mình với Cơ quan Sở hữu trí tuệ của từng quốc gia. Dựa vào đơn gốc/văn bằng gốc đã nộp/đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, qua Cục SHTT, chỉ định cùng một lúc nhiều quốc gia là thành viên của Nghị định thư Madrid và thỏa ước Madrid (sau đây gọi chung là hệ thống Madrid) (tính đến thời điểm hiện tại có 97 quốc gia là thành viên của Nghị định thư Madrid và 55 quốc gia là thành viên của thỏa ước Madrid).

Mỗi phương án có ưu và nhược điểm riêng, do đó, việc cân nhắc kĩ càng về ưu, nhược điểm của từng phương án để chọn phương án tối ưu và phù hợp với mục đích đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp của mình tại nước ngoài thật sự rất quan trọng với các doanh nghiệp. 

Chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ

Theo Phan Law Vietnam, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, khi đăng ký tại nước ngoài cũng phải trải qua bước tra cứu khả năng bảo hộ của nhãn hiệu và sau đó là tiến hành nộp đơn đăng ký. Các tài liệu cung cấp cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài.

Nếu đăng ký nhãn hiệu thông qua hệ thống Madrid thì cần chuẩn bị các hồ sơ như: Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu (được viết bằng tiếng Pháp), mẫu nhãn hiệu, danh mục các sản phẩm, dịch vụ cần đăng ký, bản sao có công chứng, chứng thực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam, giấy uỷ quyền (nếu sử dụng dịch vụ), chứng từ chứng minh đã nộp phí, lệ phí.

Nhờ đơn vị chuyên nghiệp tư vấn

Để tiết kiệm thời gian và chi phí, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực này ở Việt Nam. “Nếu doanh nghiệp tự mày mò làm thì chắc sẽ tốn kém chi phí hơn rất nhiều so với sử dụng những chủ thể chuyên nghiệp như luật sư hoặc người tư vấn.

Bên cạnh đó, nếu nhờ đến các công ty luật nước ngoài thì họ sẽ đặt theo giá quốc tế ở mức ‘trên trời’, khó có thể phù hợp với ngân sách các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Trong khi đó, tôi thấy năng lực của các công ty luật cũng như cơ quan nhà nước Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở nước ngoài rất tốt. Do vậy, tôi có một lời khuyên là ‘người Việt dùng hàng Việt’, như vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được đầy đủ nhất có thể”, bà phân tích.

Bài và ảnh: Phan Thân