Kết nối 8 cơ sở đào tạo trọng điểm của Đề án 99

Một trong 6 nhiệm vụ của Đề án 99 là hỗ trợ các cơ sở đào tạo trọng điểm cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, nâng cấp phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo về an toàn, an ninh thông tin.

Nhằm hiện thực hóa yêu cầu này, hàng năm, dưới sự bảo trợ của Ban Điều hành, Cục An toàn thông tin - Đơn vị thường trực đã triển khai nhiều sáng kiến.

Trong đó, nổi bật là kết nối 8 cơ sở đào tạo trọng điểm của Đề án 99 ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học an toàn, an ninh thông tin, bao gồm Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học CNTT thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ngoài ra, giữa trường Học viện An ninh nhân dân và BKAV  cũng đã ký kết thỏa thuận phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình bồi dưỡng, đào tạo an ninh mạng. Theo đó, phía BKAV đã tư vấn cho Học viện các giải pháp công nghệ khi triển khai Đề án 99; Hàng năm tổ chức cho sinh viên ngành công nghệ thông tin và an toàn thông tin tham gia thực hành môn học, thực tập ngắn hạn, dài hạn để cọ xát thực tế.

Bên cạnh đó, hai bên cũng xây dựng, triển khai các chương trình bồi dưỡng, đào tạo về an ninh mạng và các lĩnh vực liên quan; tổ chức Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin; Triển khai và công bố các giải pháp đảm bảo an ninh mạng và an toàn hệ thống máy tính; Đưa các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện có tính khả thi thành các giải pháp, sản phẩm công nghệ...

Đồng thời với những hoạt động trên,  Cục ATTT  cũng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về các vấn đề chọn lọc trong lĩnh vực ATANTT. Hội thảo khoa học là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các em sinh viên công bố, trao đổi, thảo luận về các công trình, đề tài nghiên cứu, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.

2020 đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo an toàn, an ninh thông tin ở nước ngoài

Đặc biệt, từ năm 2015 tới nay, Cục ATTT định kỳ tổ chức Tọa đàm hướng nghiệp, tập huấn kỹ năng mềm và Hội chợ Việc làm cho các em sinh viên theo học ngành CNTT, ATANTT. Hội chợ việc làm được tổ chức tại miền Bắc (Thành phố Hà Nội) và miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) thu hút được sự tham gia của gần 20.000 sinh viên và trên 70 doanh nghiệp tham gia, với  các gian hàng cung cấp gần 2.000 thông tin tuyển dụng thực tập, việc làm bán thời gian và việc làm toàn thời gian.

Đến năm 2019, có 04/08 cơ sở đào tạo trọng điểm triển khai dự án đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu nhằm xây dựng phòng Lab, phòng thực hành phục vụ công tác đào tạo (đạt 50% mục tiêu đến năm 2020). Trong đó Học viện Kỹ thuật Mật mã và Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Học viện An ninh nhân dân đang thực hiện đầu tư

Được biết, Đề án 99 được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 14/01/2014, với mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ đưa 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn, an ninh thông tin ở nước ngoài, trong đó có 100 Tiến sĩ; đào tạo 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về an toàn, an ninh thông tin chất lượng cao; đưa 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài; tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn, an ninh thông tin cho 10.000 lượt cán bộ làm về an toàn, an ninh thông tin và CNTT tại các cơ quan nhà nước.

Hữu Hải