Xác định rõ tầm quan trọng của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Tỉnh ủy đã ban hành 9 nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, kết luận; HĐND tỉnh ban hành 21 nghị quyết, kế hoạch, kết luận về quy hoạch, kế hoạch về nông nghiệp, nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; UBND tỉnh ban hành 457 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.

Tỉnh đã bám sát quan điểm, mục tiêu, giải pháp, xác định thực trạng để xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho chương trình. Thực hiện phân cấp, trao quyền, tạo sự chủ động cho cơ sở, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp để hỗ trợ, phát hiện sai sót, kịp thời giúp các xã khắc phục trong quá trình tổ chức, thực hiện...

Phong trào thi đua "Tỉnh Hòa Bình chung sức xây dựng Nông thôn mới", "Tỉnh Hòa Bình chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được triển khai rộng khắp. Đến nay, toàn tỉnh huy động nhân dân đóng góp trên 735 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Phong trào "Tỉnh Hòa Bình chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" huy động nhân dân đóng góp trên 61 tỷ đồng, trong đó, nguồn các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ xã, thôn đặc biệt khó khăn là 35 tỷ đồng, nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu trị giá trên 26 tỷ đồng.

{keywords}
Hòa Bình đã thực hiện nhiều giải pháp vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các phong trào, cán bộ, nhân dân tỉnh đã tích cực, chủ động, tham gia, tự nguyện đóng góp ngày công lao động, tiền của, hiến đất, tài sản trên đất, hiến kế để chung tay xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ hộ nghèo.

Kết quả cho những nỗ lực toàn diện là, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh đã giảm từ 24,38% (năm 2015) còn 11,36% (năm 2019). Ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,6%, bình quân mỗi năm giảm 3,16%, vượt 0,16% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra.

Đáng khích lệ trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là tỷ lệ hộ nghèo đối với xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 của tỉnh giảm trung bình 3%. Riêng đối với huyện nghèo giảm từ 4% trở lên. Thu nhập hộ nghèo và cận nghèo năm 2019 đạt 55,1 triệu đồng, tăng 10,52 triệu đồng so với đầu giai đoạn. Kết quả thực hiện mục tiêu đưa các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn có 1 huyện, 6 xã, 73 thôn, phấn đấu hết năm 2020 có 1 huyện không còn là huyện nghèo, 10 xã, 7 xóm hoàn thành Chương trình 135.

Cùng với mục tiêu lớn là giảm nghèo bền vững, Hòa Bình đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng. Theo đó, 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí. Trên 80% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định.

Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20-25%/năm, bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo. 20-30% xã, thôn, bản ĐBKK vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn...

Triển khai chương trình hành động thực hiện mục tiêu của 5 năm tới, Hòa Bình quyết tâm phấn đấu hạn chế tái nghèo, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn, khu vực nông thôn. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn trung bình từ 2,5-3%.

Như Sỹ