BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia; và ở một mức độ nhất định còn phản ánh trình độ phát triển của quốc gia đó.

Do đó, các quốc gia khi xây dựng hệ thống chính sách BHXH đều theo đuổi 3 nguyên tắc là: Công bằng, hướng tới mở rộng độ bao phủ chính sách để mọi NLĐ đều có thể tiếp cận, tham gia và hưởng lợi từ BHXH; tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng và đảm bảo bền vững về tài chính, đảm bảo khả năng cân đối giữa mức đóng góp và mức hưởng thụ từ hệ thống; có sự chia sẻ giữa những thành viên tham gia vào hệ thống BHXH, chia sẻ giữa các chính sách trong hệ thống. 

{keywords}
Đẩy nhanh quá trình gia tăng lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH. Ảnh minh họa.

Ngay khi Nghị quyết 28 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28; đồng thời ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, kèm theo nhiều giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, với dư địa để phát triển đối tượng tham gia BHXH còn rất lớn, đặc biệt là BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã đề nghị BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, trong đó tập trung vào BHXH tự nguyện.

Nhờ đó, đến hết năm 2019, cả nước đã có trên 15,767 triệu người tham gia BHXH, trong đó có trên 570.000 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng gần 300.000 người so với năm 2018). Chỉ tính riêng trong năm 2019, kết quả phát triển BHXH tự nguyện bằng tổng số đối tượng tham gia của cả 10 năm trước.

Hình thành “văn hóa Bảo hiểm xã hội”

{keywords}
Cán bộ cơ quan BHXH tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân tại chợ dân sinh.

Mặc dù, theo quy định, đối tượng tham gia BHXH được bao phủ đến mọi NLĐ, với hình thức BHXH bắt buộc và tự nguyện. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng (còn trên 34 triệu NLĐ chưa tham gia BHXH, tập trung chủ yếu là nhóm nông dân và lao động phi chính thức). Chính vì vậy, Nghị quyết 28 đã đưa ra nhiều nội dung cải cách và giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý và điều hành HTX không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt chỉ là một trong số những nội dung cải cách được đặt ra trong Nghị quyết 28.

Cùng với đó, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, phải đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức; có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần. Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

{keywords}
Phổ biến chính sách BHXH cho người dân.

Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, hướng tới BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết. Chúng ta cũng phải sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi.

Bên cạnh những nội dung cải cách trên, theo người đứng đầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, rất cần sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực của toàn thể CCVC ngành BHXH. Ngoài ra cũng cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ, người dân về chính sách BHXH, từ đó từng bước hình thành “văn hóa BHXH”.

{keywords}
Đẩy nhanh quá trình gia tăng lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH

Vì hiện nay, số người hưởng BHXH một lần vẫn có xu hướng tăng- đi ngược với mục tiêu của chính sách BHXH là bảo đảm an sinh xã hội trong dài hạn cho NLĐ, đồng thời còn tác động ngược tới nỗ lực mở rộng tỉ lệ bao phủ BHXH. Ông Đào Ngọc Dung quan ngại thực trạng trên sẽ dẫn tới việc NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập từ BHXH khi về già; ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH và đảm bảo an sinh xã hội. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận NLĐ chưa hiểu cặn kẽ về ý nghĩa, mục đích của chính sách BHXH; những khó khăn về tài chính và nhu cầu về một khoản tài chính trước mắt để trang trải các chi phí trong cuộc sống; điều kiện về thời gian đóng hưởng lương hưu hiện đang quy định khá dài (tối thiểu 20 năm), nhiều người chỉ có thời gian tham gia ngắn nên có tâm lý ngại chờ đợi; niềm tin của một bộ phận người dân vào chính sách chưa cao.

Chính vì vậy, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là phải hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, tạo điều kiện để nhiều người được hưởng lương hưu ổn định cuộc sống khi về già, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ là cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả trước mắt và trong dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của NLĐ.

{keywords}
Đẩy nhanh quá trình gia tăng lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH.

Trước mắt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách; tiếp tục đánh giá tình hình thực hiện chính sách BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ.

Tuy nhiên, trong dài hạn sẽ thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW, cụ thể: Sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, sửa đổi và bổ sung chính sách BH thất nghiệp, việc làm theo hướng hỗ trợ DN và NLĐ duy trì việc làm, sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động.

Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH.

V. Thường 
Ảnh: Nguyễn Bổng