Vẫn có những hạn chế nhất định

Bàn về 30 năm quan hệ và 25 năm quan hệ đối thoại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga, TS. Hoàng Thị Mỹ Nhị, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phân tích: Trong giai đoạn vừa qua, Nga đã có những thay đổi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trong trong hợp tác với ASEAN. Với mục tiêu củng cố vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương và ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, chính sách đối ngoại của Nga luôn coi trọng ngoại giao đa phương với khu vực, từng bước kết nối song phương với một số quốc gia nhằm tạo vị thế cạnh tranh với các nước lớn khác.

{keywords}
Cuộc họp lần thứ 19 của Ủy ban hợp tác chung ASEAN - Nga (ARJCC) đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Mối quan hệ ASEAN - Nga trở nên gắn bó hơn thông qua việc Nga chủ động, tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và các cơ chế do ASEAN lãnh đạo. Nga thúc đẩy việc thực thi các cam kết thuộc lĩnh vực mà mình có thế mạnh, đồng thời mở rộng phạm vi của các lĩnh vực hợp tác ngày càng đi vào thực chất hơn.

Tuy vậy, trong 5 năm qua, vẫn có những hạn chế nhất định từ những chính sách ngoại giao cũng như hợp tác giữa hai bên.

Thứ nhất, sự gắn kết giữa Nga với các nước ASEAN, nhất là về kinh tế, còn khá lỏng lẻo. Đa số các cuộc gặp gỡ đều diễn ra bên lề các hội nghị cấp cao APEC và EAS. Cho đến nay, trong các hoạt động ngoại giao, Nga vẫn chưa đóng vai trò là nhân tố chính hay điều hướng trong các mối quan hệ đa phương với ASEAN so với các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Về thương mại, các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga sang ASEAN chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt, vũ khí và năng lượng, nhìn chung vẫn còn tương đối thấp so với kim ngạch trao đổi thương mại giữa ASEAN với các nước khác. Việc mở rộng thương mại Nga - ASEAN vẫn chưa có những bước tiến lớn.

Thứ hai, về ngoại giao, khi đứng ở vị trí trung lập, việc thắt chặt mối quan hệ sâu rộng với khu vực ASEAN là điều có thể nếu Nga chủ động và tích cực hơn nữa. Nga cũng có thể khẳng định vị thế quyền lực của mình đối với khu vực, khi ASEAN cần sự ủng hộ của nước lớn trong việc giải quyết vấn đề mang tính quốc tế. Thực tế là, sự xuất hiện của Nga góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của nước lớn đối với khu vực ASEAN. Những nỗ lực gắn kết song phương và đa phương của Nga góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực ASEAN trở nên đa cực hơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện và vai trò gắn kết trên của Nga vẫn chưa như mong đợi.

Thứ ba, hợp tác về vũ khí, năng lượng sẽ là triển vọng trong thời gian tới của Nga. Tuy nhiên, Nga sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với phản ứng của Mỹ khi Sáng kiến “Định hướng phát triển liên minh và đối tác” (GDAP) (năm 2020) của Mỹ được đưa ra nhằm tập hợp lực lượng và tăng cường quan hệ đối tác để đối đầu với Nga và Trung Quốc về quân sự. Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang theo đuổi chính sách kiềm chế Nga. Bên cạnh đó, Nga chưa có đầu tư lớn về kinh tế và quân sự để hỗ trợ cho các quốc gia trong khu vực.

Thứ tư, trong thời điểm hiện tại, sự suy thoái toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra trên thế giới khiến nền kinh tế Nga tổn thất nặng nề và các hoạt động ngoại giao trở nên dè dặt hơn. Mặt khác, việc mua, bán vũ khí và năng lượng bị các nước ASEAN cắt giảm ngân sách và giảm nhu cầu trong một vài năm tới. Do đó, việc định hình trật tự khu vực trong tương lai vẫn còn hạn chế đối với Nga.

Đẩy nhanh việc hoàn tất CPA giai đoạn 2021 - 2025

Trong thời gian tới, Nga cần có những định hướng nhằm phát huy vai trò và vị thế ở ASEAN. Trong nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống V. Putin (2018 - 2024), các chính sách đối ngoại với đối tác chiến lược ASEAN cần đi vào thực chất hơn ở cấp độ chính trị và kinh tế nhằm nâng cao vị thế của Nga trong các hoạt động đa phương. Nga cần chủ động hơn trong việc kết nối các tổ chức tiểu khu vực do Nga dẫn dắt hay các thỏa thuận khác thiết lập giữa EAEU với các đối tác. Bên cạnh đó, việc Nga tăng cường phát huy vai trò “cầu nối” của Việt Nam để thực hiện chính sách “Hướng Đông” một cách hiệu quả hơn, sẽ góp phần tăng cường sự hiện diện của Nga trong các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, quân sự nhằm nâng cao sức mạnh chiến lược trong thời gian tới tại khu vực ASEAN.

Có thể thấy, những kết quả, đóng góp tích cực mà Nga đã đạt được trong thời gian qua trong các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt trong nỗ lực cùng ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19 đã khẳng định vai trò quan trọng của Nga đối với ASEAN và hợp tác khu vực. Điều này có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa hai bên. 

Trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ và 25 năm quan hệ đối thoại, ASEAN và Nga cần đẩy nhanh việc hoàn tất CPA giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, góp phần đưa hai bên vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, cùng phục hồi và phát triển trong tương lai.

Diệu Bình (lược trích)