Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có khá nhiều đơn vị thu được thành công lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Việc xây dựng, phát triển các mô hình trồng rau, hoa, cà phê, chăn nuôi bò sữa, trồng dâu nuôi tằm... theo hướng hiện đại đã biến nhiều vùng quê của Lâm Đồng trước đây vốn nghèo khó, lạc hậu giờ nay trở nên trù phú, khang trang.

{keywords}
Lâm Đồng đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người nông dân.

Có được những kết quả tích cực nói trên, trước hết cần nhắc đến việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ động vận dụng và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp. Cụ thể, ngay từ năm 2003, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định, NNCNC là một trong 6 chương trình đột phá để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tiếp đó, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nhất là Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2011, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết 05 “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2011 - 2015”.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, năm 2016, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục ban hành Nghị quyết 05 “Về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, giai đoạn 2016 - 2020; định hướng đến năm 2025”... Thực hiện những chủ trương, nghị quyết này, ngành sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng đã được quan tâm mở rộng, phát triển về cả quy mô, sản lượng và giá trị kinh tế.

Nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới được tiếp cận và áp dụng vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả tại địa phương đã tạo đột phá để chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện. Nhiều loại sản phẩm của Lâm Đồng đã đạt tiêu chuẩn ngành với một số nước tiên tiến, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong nước. Đến nay, tỉnh có 06 nông sản tham gia chuỗi nông sản toàn cầu gồm: Cà phê, chè, rau, hoa, điều và tơ tằm.

Ngọc Trang
Ảnh: Kiều Nga