Hỗ trợ lên sàn 

Sau vụ vải Hải Dương và Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên chính thức lên sàn thương mại điện tử. Theo đại diện của Bưu điện Việt Nam, từ đầu tháng 7, nhân viên của bưu điện đã từng huyện, xã để đào tạo, hướng dẫn người dân tiếp cận và làm quen với phương thức kinh doanh trên nền tảng số Postmart như cách thức đăng bán sản phẩm, tối ưu gian hàng trên sàn, theo dõi đơn hàng, giao dịch trên sàn. Đặc biệt, bưu điện hướng dẫn người dân cách thức gói bọc, vận chuyển hàng hóa để sao cho đến tay người tiêu dùng đảm bảo tươi ngon nhất.

Ngoài ra, Bưu điện Việt Nam cũng triển khai thêm hệ thống kho lạnh tăng cường cho những tỉnh, huyện cần trữ nông sản, đặc sản tươi và cung cấp triển khai thêm hệ thống kho sấy nhãn lớn. Sản phẩm nhãn khô sau khi đóng gói đạt tiêu chuẩn quốc tế để tiến hành xuất khẩu.

Hiện, Bưu điện Việt Nam đã đưa được hơn 10 hợp tác xã sản xuất các sản phẩm Nhãn, nhãn tươi, nhãn sấy, các chế phẩm từ nhãn như mật ong hoa nhãn,… Mỗi hợp tác xã trung bình gồm 40 hộ nông dân kinh doanh.

{keywords}
Các doanh nghiệp được hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử 

Ước tính đội ngũ Postmart đã đi tiếp cận và phát triển được gần 400 nhà cung cấp tham gia bán hàng trên sàn, trong đó có hơn 100 nhà cung cấp có tài khoản và đưa các sản phẩm từ nhãn lên sàn. Trung bình mỗi nhà cung cấp có 5-10 sản phẩm, mặt hàng khác nhau, tổng số sản phẩm về nhãn được đưa lên sàn ước tính hơn 200 mặt hàng để phục vụ nhu cầu quan tâm rất lớn từ người tiêu dùng.

Với mục tiêu hỗ trợ đầu ra cho nguồn vải thiều Bắc Giang ngay trong tâm dịch, không chỉ các sàn thương mại điện tử Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Voso, Postmart…đã chung tay vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản mà các siêu thị lớn như VinMart, BigC/Go, Foodmap… cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số triển khai Chương trình “Chung tay ủng hộ Vải Bắc Giang” trên nền tảng số.

Chương trình “Chung tay ủng hộ Vải Bắc Giang” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã được triển khai và nhận được sự đồng hành từ 6 sàn thương mại điện tử lớn.

Trong khi đó, Cục Xúc tiến thương mại đã thiết lập gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại” trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo nhằm hỗ trợ XTTM cho sản phẩm tiềm năng của các tỉnh thành trên toàn quốc.

Cục đã phối hợp với các sàn tiếp tục triển khai các gian hàng chung nhằm hỗ trợ cho các DN và các Hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thông qua gian hàng chung. Mục tiêu chính của hoạt động này chính là tập trung hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện và đào tạo để từng bước khuyến khích DN tự vận hành hiệu quả gian hàng riêng của mình.

Hướng đi mới cho nông sản

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong bối cảnh dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc như hiện nay thì khách hàng đến mua sắm tại hệ thống siêu thị cũng có những khó khăn nhất định, do vậy, cùng các sàn thương mại điện tử lớn đẩy mạng phân phối online được các siêu thị lựa chọn thực hiện mục tiêu kép. Việc các siêu thị trực tiếp vận hành gian hàng online sẽ gặp nhiều khó khăn vì không phải là lợi thế và không có nhiều kinh nghiệm.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, sự kết hợp giữa siêu thị truyền thống và nhà bán hàng trực tuyến thực sự mang lại nhiều lợi ích cho các bên bán và người tiêu dùng.

Hệ thống siêu thị có thể tận dụng được năng lực vận hành thương mại điện tử cũng như tập khách hàng rộng của nhà bán hàng trực tuyến, trong khi đó các nhà bán hàng trực tuyến có thể giảm được chi phí logistics đồng thời mở rộng được phạm vi các tỉnh thành có khả năng phân phối, và tăng được lượng hàng hóa bán ra. Với mô hình này, thực sự hai bên đã tận dụng được những lợi thế của nhau để cùng bắt tay tạo ra lợi thế trong phân phối.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, từ đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh thành, tận dụng lợi thế của công nghệ, kết hợp phát triển thị trường thương mại điện tử.

Đây sẽ là một hướng đi mới góp phần không nhỏ vào cuộc chuyển giao công nghệ và phân phối hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp các hợp tác xã có những giải pháp bền vững và lâu dài bài toán tiêu thụ hàng hoá nói chung và nông sản nói riêng của doanh nghiệp địa phương.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy