Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết giữa 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 15/11 vừa qua trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm gần một phần ba dân số và khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam đang sẵn sàng để đón nhận những lợi ích từ Hiệp định này.

Định hình thị trường xuất khẩu ổn định

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu-di-lân...

{keywords}
RCEP có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, nhờ sự đa dạng các hương vị và thái độ nói chung của người tiêu dùng đối với các sản phẩm này. Ảnh minh họa.

Theo nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của EU cho Việt Nam (MUTRAP), một số mặt hàng Việt Nam có sức cạnh tranh cao đã thống trị thị trường khu vực và toàn cầu (gạo, cà phê, hạt tiêu và hạt điều…), bên cạnh đó là các sản phẩm nông lâm thủy sản vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong mô hình xuất khẩu của đất nước. RCEP có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, nhờ sự đa dạng các hương vị và thái độ nói chung của người tiêu dùng đối với các sản phẩm này.

Nhiều doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu khác đang kỳ vọng vào những lợi ích lớn khi RCEP được đưa vào thực thi. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, khi có hiệu lực, doanh nghiệp xuất khẩu có thể dùng chung một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thay vì từng mẫu C/O cho từng thị trường như hiện nay, giúp đơn giản thủ tục hơn cho doanh nghiệp. Những cam kết xuất xứ nội khối cho phép nguồn nguyên liệu được mở rộng hơn thay vì các cam kết khá chặt chẽ từ các Hiệp định như CPTPP hay EVFTA.

Tuy nhiên, thách thức cũng đang chờ doanh nghiệp Việt phía trước khi thực thi RCEP. Do cơ cấu thị trường tương tự Việt Nam nên khi RCEP được triển khai, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ 14 thành viên còn lại không chỉ trong xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa. Trong khi hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng của các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam còn khiêm tốn so với các sản phẩm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia mà Việt Nam hàng năm vẫn phải nhập siêu rất lớn.

Triển khai RCEP có thể làm tăng độ mở của nền kinh tế Việt Nam, gia tăng sự phụ thuộc của thương mại vào một số đối tác kinh tế lớn cũng như phụ thuộc nhiều hơn vào việc xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực. Trong bối cảnh biến động của kinh tế, chính trị thế giới được dự báo sẽ diễn biến khó lường, thì việc phụ thuộc ngày càng lớn vào các yếu tố bên ngoài sẽ mang đến nhiều rủi ro cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Nghiên cứu của MUTRAP cho thấy, Việt Nam sẽ phải đối diện với các thách thức lớn hơn, bao gồm giải quyết các vấn đề về chất lượng sản phẩm, nguồn lực để tận dụng lợi thế của các thỏa thuận thương mại, các hàng rào phi thuế quan, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang một số nước và vùng lãnh thổ truyền thống đã bị thu hẹp, trong khi sang những nước khác cần có thời gian để tìm hiểu, thích nghi…

Cơ hội tốt để doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng

Để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ sớm xây dựng các giải pháp phát triển ngành dệt may đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Theo đó quy hoạch được các khu vực, địa phương chiến lược của ngành; đầu tư vào các khu công nghiệp có các nhà máy dệt nhuộm, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn về môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng dệt may, nâng cao sức cạnh tranh.

Ngoài ra, giống như rất nhiều các khung khổ hội nhập khác, các doanh nghiệp muốn tận dụng tốt cơ hội từ RCEP thì cần nghiên cứu kỹ hiệp định với lĩnh vực, ngành nghề mình đang sản xuất kinh doanh để từ đó có kế hoạch chuẩn bị trước. Bên cạnh đó, cần luôn đặt mình vào thế chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về hội nhập, cũng như chuẩn bị các yếu tố về nhân lực, công nghệ để có thể hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm với các doanh nghiệp nước ngoài. Lợi ích lớn chỉ dành cho các doanh nghiệp chủ động và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đón đầu cơ hội.

Hơn lúc nào hết, để tận dụng cơ hội từ RCEP, doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định FTA, ngoài điều kiện cần là các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp mới là điều kiện đủ để hiện thực hóa các lợi ích và cơ hội mà các Hiệp định FTA mang lại.

Các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Hiệp định RCEP và các Hiệp định FTA sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Lã Oanh - Tuệ Minh