Mấy năm trước, gia đình anh Điền ở thôn An Thành là một điển hình của xã Phố Lu, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) thuộc diện hộ nghèo khi kinh tế chủ yếu chỉ phụ thuộc vào cây lúa. Sau này, khi anh mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, trọng tâm là chăn nuôi và trồng cây ăn quả, gia đình anh không chỉ đã thoát được nghèo đói  thành công mà còn trở thành một trong những hộ giàu có của thôn.

Được biết, vườn cây ăn quả của gia đình anh Điền có 200 cây bưởi Múc, hơn 100 cây ổi và gần 100 cây táo đã cho thu hoạch từ năm 2017. Trong khi chờ vườn cây ăn quả khép tán, anh Điền tranh thủ nuôi gà thả vườn với số lượng duy trì từ 500 - 600 con, nuôi cá và quay vòng trồng 3 vụ gồm lúa - rau - dưa lê, dưa hấu trên 3 sào đất ruộng. Nhờ vậy mỗi năm, anh thu về hơn 100 triệu đồng.

{keywords}
Bưởi sai quả của gia đình anh Trần Công Điền

“Quá nửa đời người chung thủy với cây lúa mà có những lúc không đủ ăn, nghèo vẫn hoàn nghèo. Giờ thì với 3 sào ruộng, mỗi vụ dưa cũng thu được 3 tấn quả kèm theo 1 vụ rau, lao động vất vả hơn nhưng nhanh chóng thoát nghèo”, anh Điền trải lòng.

Anh Phan Nhật Quang ở thôn Làng Bông, xã Xuân Quang, cũng đang sở hữu trang trại nuôi gà có quy mô lớn nhất với số lượng 20.000 con/lứa, mỗi năm mang lại cho gia đình từ 700 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng.

Anh Quang cho hay, trước đây anh từng công tác trong ngành dân số của tỉnh nhưng công việc không phù hợp, vì chuyên môn chính là kỹ sư nông nghiệp. Từ đó anh quyết định xin nghỉ việc về quê khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi gà.

Bắt đầu từ việc đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà với quy mô 2.000 con/lứa, đến nay, trang trại của anh đã phát triển với quy mô 20.000 con gà/lứa, mang lại thu nhập ổn định và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cách làm của anh Phan Nhật Quang, nhiều gia đình ở thôn Làng Bông đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng phát triển chăn nuôi.

Năm 2014, anh Quang quyết định thành lập Hợp tác xã Xuân Tiến, tập hợp 12 hộ trong thôn tham gia chăn nuôi gà. Với chủ trương liên kết chặt chẽ trong sản xuất giữa 3 nhà (nhà nông – Hợp tác xã - doanh nghiệp), anh tìm đến nhiều tỉnh thành để ký hợp đồng cung ứng giống gà, thức ăn và thuốc thú y cho Hợp tác xã.

Anh Quang cho hay,  “Hợp tác xã thành lập sẽ giúp cung ứng giống, vật tư, thị trường đầu ra, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi… Còn trong chăn nuôi, các thành viên sẽ tự chủ hoàn toàn về quy mô, hiệu quả chăn nuôi”.

Nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả  trên mà kết thúc năm 2019, huyện Bảo Thắng đã giảm được 922 hộ nghèo, tương đương 3,07%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện thời điểm này còn chưa đầy 7%, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của toàn tỉnh

Ông Nguyễn Viết Khoản, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Khi huyện có chủ trương chuyển đổi vật nuôi, cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phía UBND xã rất hưởng ứng.

Các cán bộ chuyên môn đã về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó nhiều hộ dận đã thoát nghèo đói, vươn lên trở thành hộ khá giả, có của ăn của để".

Hồng Khanh
Ảnh: Hoài Linh