Ngày nay, nạn buôn người hay mua bán người đã trở thành một vấn nạn toàn cầu. Theo số liệu của nhiều tổ chức uy tín, tội phạm mua bán người đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ ba sau buôn bán ma túy và vũ khí.

Đặc biệt, nạn buôn bán người cũng diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Chúng thông qua mạng xã hội để kết bạn, tạo lòng tin với nạn nhân từ đó dụ dỗ, hứa hẹn xin việc làm với mức lương cao.

{keywords}
Đại tá Tô Cao Lanh trao đổi tại chương trình "Chung tay phòng, chống mua bán người".

Tại sự kiện trực tuyến "Chung tay phòng, chống mua bán người" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an tổ chức, Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho hay, hiện nay tình trạng mua bán người trên thế giới và Việt Nam diễn biến rất phức tạp. Việt Nam vẫn bị coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm phát hiện 240 vụ mua bán người, với 340 đối tượng, lừa bán khoảng 500 nạn nhân. Đa số nạn nhân bị bán ra nước ngoài, chiếm 80%.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, siết chặt quản lý biên giới, tình hình mua bán người giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước. Đại tá Tô Cao Lanh chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước phát hiện 29 vụ mua bán người, bắt giữ 43 đối tượng. Số nạn nhân bị lừa bán là 56 người.

Tuy tội phạm mua bán người có chiều hướng giảm, đang được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Các đối tượng hoạt động tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ giữa mua và bán. Các đối tượng môi giới, dẫn dắt hình thành xuyên quốc gia, xuyên biên giới. Xu hướng hiện nay, chủ yếu đưa nạn nhân ra nước ngoài qua đường biên giới trên bộ.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cung cấp thêm thông tin, hiện nay các đối tượng mua bán người đang cấu kết, hình thành đường dây mua bán người liên tỉnh. Nạn nhân mà chúng hướng đến là các thiếu nữ dưới 16 tuổi. Dụ dỗ lừa bán nạn nhân vào các quán karoke, các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Vừa qua, Bộ Công an chỉ đạo công an một số tỉnh truy quét loại tội phạm này. Điển hình như tại Phú Thọ, Nam Định... cơ quan công an đã triệt phá 2 băng nhóm, bắt 8 đối tượng, giải cứu 10 nạn nhân dưới 16 tuổi.

Những thủ đoạn thường gặp

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cũng chỉ ra các hình thức mà đối tượng mua bán người sử dụng, tiếp cận nạn nhân mua bán người: Theo đó, phần lớn các đối tượng dùng tên, tuổi địa chỉ giả, không cung cấp hình ảnh thật với nạn nhân, không cho nạn nhân tiếp xúc trực tiếp mà hướng dẫn nạn nhân liên hệ qua điện thoại.

Các đối tượng hoạt động lừa bán nạn nhân thường lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội để kết bạn, làm quen. Lợi dụng việc người dân có nhu cầu tìm việc làm, chúng dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho nạn nhân, việc nhẹ, đơn giản, thu nhập cao. Hứa đưa nạn nhân ra nước ngoài lấy chồng giàu sang.

Yêu cầu nạn nhân cung cấp ảnh, thông tin cá nhân qua Facebook, Zalo… với mục đích xem mặt nạn nhân. Lợi dụng nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhẹ dạ cả tin hoặc đồng bào dân tộc thiểu số… Giả danh công an bộ đội, kết bạn, hứa hẹn yêu đương rồi lừa bán ra nước ngoài. 

Đặc biệt, có đối tượng còn giả danh cơ quan chức năng để đe dọa nạn nhân, khi mời nạn nhân lên thì thường hẹn ra ngoài, chứ không đưa đến trụ sở cơ quan. Ngoài ra, đối tượng cũng thường chủ động chi tiền lo chi phí đi lại cho nạn nhân…

Xuân Quý