Hai năm 2019 và 2020, Đồng Nai đều có các ổ dịch lở mồm long móng – loại bệnh nguy hiểm, dễ lây lan trên gia súc và gây tử vong với vật nuôi.

Với tinh thần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, không còn bệnh lở mồm long móng trên địa bàn, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kế hoạch số 4154/KH-UBND về phòng chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 7 tỷ đồng.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm kiểm soát hiệu quả bệnh lở mồm long móng, góp phần thực hiện thành công chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045.

Mục tiêu cụ thể, số lượng ổ dịch lở mồm long móng và gia súc mắc bệnh hàng năm giảm từ 10-20% so với trung bình của giai đoạn 2016-2020.

Xây dựng thành công và duy trì ít nhất 350 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn với dịch lở mồm long móng.

Đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn xảy ra các ổ dịch lở mồm long móng.

Từ năm 2026 tỉnh sẽ xây dựng các huyện hoặc toàn tỉnh an toàn dịch đối với bệnh lở mồm long móng. 

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được các mục tiêu trên như: tập trung công tác tuyên truyền về các nội dung liên quan về công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật; phòng bệnh bằng vaccine; giám sát dịch bệnh; kiểm soát dịch bệnh qua vận chuyển; kiểm soát qua giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và thực hiện tốt các biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch lở mồm long móng…

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đẩy mạnh chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Chiến lược phát triển ngành Chăn nuôi trong giai đoạn mới căn cứ trên quan điểm phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm đáp ứng thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu. Phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.

Mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Cụ thể, mức tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 đạt trung bình từ 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt trung bình từ 3-4%/năm. Định hướng đến năm 2030, tổng đàn heo cả nước đạt quy mô từ 29-30 triệu con, chăn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm 70%. Tổng đàn gà đạt từ 500-550 triệu con, khoảng 60% nuôi công nghiệp. Trong chiến lược phát triển chăn nuôi cũng định hướng về các vật nuôi khác như: thủy cầm, đại gia súc, dê, cừu, thủy sản… Khuyến khích phát triển ngành Sản xuất thức ăn chăn nuôi, ngành Giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Đến năm 2045, ngành Chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất đến chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm chăn nuôi gồm: thịt, trứng, sữa đều được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp…

Minh Phúc