Một mô hình đặc biệt

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ: Về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, từ tháng 01/2010, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai thực hiện dự án Ngân hàng bò ban đầu tại 14 huyện nghèo của 14 tỉnh.

Mục tiêu chung của dự án là giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các xã nghèo thuộc huyện nghèo phát triển chăn nuôi bò giống, phục hồi sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đối tượng hưởng lợi mà Dự án hướng tới là những hộ nghèo nhưng phải có lực lượng lao động, có đủ điều kiện về chuồng, trại để chăn nuôi..

“Ngân hàng bò” là một mô hình rất đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực mang lại mà còn cách thức duy trì và phát triển “ngân hàng” sống này.

Trong mô hình này, mỗi hộ gia đình nghèo được trao tặng 01 con bò giống từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội và một phần vốn đối ứng của địa phương. Bò giống sau khi nuôi nếu đẻ lứa đầu là bê cái thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm 6 tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi.

Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Và cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống sẽ được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có rất nhiều hộ gia đình nghèo khác trong địa phương sẽ được trợ giúp. Ngân hàng bò sẽ ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả bền vững. Một số trường hợp đặc biệt khác trong quá trình chăm sóc bò giống cũng được quy định rất cụ thể.

Đây là một dự án phát triển cộng đồng, dựa vào cộng đồng vì huy động được người dân cùng tham gia nhằm giải quyết vấn đề xã hội bức xúc đó là vấn đề nghèo đói, vì vậy dự án có tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Việc triển khai dự án tại các địa phương được thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương Hội.

{keywords}
Dự án Ngân hàng bò đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững. 

Minh chứng hiệu quả từ huyện nghèo Mường Ảng

Một ví dụ điển hình có thể kể đến trong thời gian gần đây là Mường Ảng (tỉnh Điện Biên), một trong những huyện nghèo của cả nước. Tại đây, dự án “ngân hàng bò” đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Năm 2014, huyện Mường Ảng được thụ hưởng Dự án này với số bò hỗ trợ là 145 con, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Căn cứ tình hình thực tế, Hội Chữ thập đỏ huyện hối hợp với chính quyền địa phương triển khai nghiêm túc, đảm bảo dân chủ, cấp số bò trên cho 145 hộ nghèo thuộc 2 xã, trong đó xã Ẳng Nưa có 85 hộ và Ẳng Cang 60 hộ.

Có những hộ gia đình sau thời gian nuôi, bò mẹ đã sinh sản 1 bê cái và được chuyển giao cho hộ nghèo khác. Sau đó bò dự án tiếp tục đẻ thêm bê, trở thành tài sản lớn để gia đình họ có thêm điều kiện thoát nghèo.

Qua 6 năm triển khai thực hiện, đến nay dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, gần 100% hộ được thụ hưởng ban đầu đã thoát nghèo.

Tại xã Ẳng Nưa từ năm 2014 với 60 hộ được thụ hưởng, đến nay đã có thêm 35 hộ nghèo khác được tiếp nối chương trình. Riêng đối với các hộ được thụ hưởng ban đầu, kết hợp với những chương trình, dự án hỗ trợ khác, đến nay, có 57 hộ đã thoát nghèo. Kết quả này cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp xã tiếp tục giữ vững danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tiếp theo.

Từ những hiệu quả thiết thực, dự án góp phần giúp các hộ nghèo từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững. Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ huyện Mường Ảng, sau 6 năm triển khai thực hiện Dự án “Ngân hàng bò” tại 2 xã, từ 145 con bò giống ban đầu, đến nay đã sinh sản thêm gần 100 con, qua đó giúp cho nhiều hộ nghèo khác của 2 xã tiếp tục được thụ hưởng để phát triển kinh tế.

Bảo Phùng
Ảnh: Thanh Tùng