Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số

Hà Giang đang quyết tâm vào nhóm 20 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Qua đó, đưa tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Hà Giang luôn chủ động triển khai các nội dung liên quan đến chuyển đổi số và đạt dược nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) ở mức khá so với các tỉnh/thành phố trên toàn quốc; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 80,62%; tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 66,38%.

{keywords}
Hà Giang đang quyết tâm vào nhóm 20 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các cơ quan hành chính có trang/cổng thông tin điện tử đạt 100%; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan đạt 100%, văn bản điện tử ứng dụng chữ ký số đạt 60%; tỷ lệ UBND cấp huyện, xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Về kinh tế số: Bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, du lịch và dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics. Qua đó, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI), thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân.

Hạ tầng xã hội số tỉnh có bước phát triển khi 100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm; Số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 2.418 trạm (783 trạm 2G, 932 trạm 3G, 703 trạm 4G); Tỷ lệ xã, phường thị trấn có mạng Internet băng rộng đạt 98%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt 100%; Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%; Người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.

Cần tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế, xã hội

Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 02/8/2021 của Tỉnh ủy Hà Giang về Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Thực hiện tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực gắn với cơ chế kiểm soát từng cấp.

Vì vậy, vừa qua tỉnh Hà Giang tiếp tục duy trì và phát triển hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở có ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, internet. Trọng tâm là đẩy mạnh chương trình hợp tác với tập đoàn FPT và các tổng công ty công nghệ để thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tỉnh cũng chú trọng phát triển nền tảng số phục vụ kết nối liên thông đa chiều, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống báo cáo của Trung ương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, phấn đầu hoàn thiện chính quyền điện tử, đưa tỉnh Hà Giang sớm trở thành mộ trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số”.

Dựa trên những quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như điều kiện thực tế của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất, có chủ trương giao Ban Cán sự UBND tỉnh chủ trì xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm:

Chuyển đổi số là giải pháp nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của tỉnh.

Chuyển đổi số cần thực hiện trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó cần tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng Chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển.

Chuyển đổi số để góp phần thực hiện thắng lợi ba giải pháp đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thay đổi tổng thể và toàn diện tổ chức, cá nhân về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dựa trên công nghệ số, trọng tâm là phát triển và quản lý dữ liệu.

Chuyển đổi số gắn với phát triển đô thị thông minh và cải cách hành chính, đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, mang lại tiện ích, hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.

Đồng thời, chương trình Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải đạt được mục tiêu tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng xã hội số an toàn nhân văn dựa trên các đặc thù về thiên nhiên, văn hóa, con người của tỉnh, góp phần đưa Hà Giang trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Thanh Hải