Chiều 12/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV (giai đoạn 2020-2025).

Trong buổi lễ này, Thứ trưởng Phan Tâm đã phát động phong trào thi đua yêu nước của Bộ TT-TT giai đoạn 2020- 2025, với 8 mục tiêu chính.

Cụ thể, hướng tới việc chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số, triển khai 5G. Chuyển đổi Chính phủ điện tử thành Chính phủ số. Đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số; Chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm; Phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam..

Đặc biệt, Bộ TT-TT đặt mục tiêu sẽ đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng. Với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng Việt Nam, bảo đảm sự thịnh vượng của đất nước trên không gian mạng. Bảo đảm chủ quyền không gian mạng. Không gian mạng của Việt Nam là môi trường sống mới nên phải đảm bảo sạch và lành mạnh.

{keywords}
Bộ TT-TT đặt mục tiêu sẽ đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng. Ảnh minh họa

Số liệu của Cục An toàn thông tin cho thấy, quy mô thị trường an ninh mạng toàn cầu khoảng 124 tỷ USD. Nếu Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng thì chúng ta có thể chiếm tới 5% thị phần của thế giới (hơn 6 tỷ USD) trong vòng 3-5 năm tới. Vậy mục tiêu này liệu có khả thi?

Về vấn đề này, theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav, muốn đưa ngành An ninh mạng lên vị trí hàng đầu thế giới chúng ta cần 2 yếu tố là: Chất lượng nguồn nhân lực và làm chủ được các sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực này.

Về nguồn nhân lực, Việt Nam đã ghi dấu ấn trong nhiều sự kiện về an ninh mạng trên thế giới (các cuộc thi về bảo đảm an toàn không gian mạng, diễn tập phòng, chống tấn công mạng toàn cầu); chất lượng nguồn nhân lực cũng rất tốt nhưng số lượng lại chưa bảo đảm yêu cầu. Về sản phẩm, hiện thị trường phần mềm diệt vi rút đã trở thành sân chơi của doanh nghiệp trong nước, chỉ còn duy nhất một thương hiệu nước ngoài tồn tại với thị phần khiêm tốn.

Chia sẻ rõ hơn về nguồn nhân lực an toàn thông tin, ông Hà Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty An ninh an toàn thông tin CMC khẳng định, việc phát triển nguồn lực luôn là thách thức đối với các đơn vị nhà nước và công ty tư nhân hiện nay. Do vậy, giải pháp được đặt ra là các doanh nghiệp về bảo mật, an toàn thông tin có thể cùng hợp tác để giúp khối chính phủ và khối tư nhân có thể kết hợp được những thế mạnh riêng nhằm giải được bài toán về nguồn lực và bài toán tập trung công nghệ cho chuyển đổi số.

Tạo thị trường an ninh mạng

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nêu quan điểm, trước hết phải tạo ra được một thị trường an ninh mạng tại Việt Nam. Muốn làm được điều này, các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng.

Ông Nguyễn Huy Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho biết, quan điểm là Nhà nước sẽ không hỗ trợ các yếu tố “đầu vào”, mà chỉ hỗ trợ các yếu tố “đầu ra”. Điều đó có nghĩa, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường.

Cụ thể, Bộ TT-TT sẽ hỗ trợ bằng cách thông qua việc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ tốt, có thể phát triển thị trường. Trong chỉ thị về bảo đảm an toàn thông tin sắp tới, Cục đề xuất các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải có bộ phận chuyên nghiệp về bảo vệ, giám sát an toàn thông tin...

Ngoài ra, để bảo đảm duy trì hệ thống thông tin, các cơ quan, tổ chức nhà nước phải có một doanh nghiệp, đơn vị khác hỗ trợ cung cấp dịch vụ kiểm tra, đánh giá, rà soát định kỳ về an toàn thông tin mạng của hệ thống. Theo quy định, tối thiểu các hệ thống thông tin từ cấp độ 4 trở lên thì 1 năm phải được đánh giá 2 lần, các hệ thống còn lại tối thiểu phải kiểm tra, đánh giá 1 lần.

Với quy định trên,Ông Dũng cho rằng, sẽ giúp tạo ra được thị trường cung cấp các dịch vụ bảo vệ, giám sát an toàn thông tin và dịch vụ kiểm tra, đánh giá để các doanh nghiệp có thể phát triển.

Cũng theo lãnh đạo Cục An toàn thông tin, một cường quốc về an toàn, an ninh mạng là một nước có lực lượng dân sự về an toàn, an ninh mạng đông đảo, có doanh nghiệp trong lĩnh vực này đủ mạnh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sẵn sàng phục vụ quốc phòng, an ninh khi có yêu cầu. Cơ quan nhà nước chỉ tập trung làm một số ít việc, còn lại phải do hiệp hội và các doanh nghiệp làm là chủ yếu.

Cùng với đó, hiệp hội trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng phải mạnh, có sự gắn kết trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng niềm tin, đặc biệt là phải làm sao để xây dựng được một lực lượng dân sự mạnh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.

Hà Yên