Theo báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội đã được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua, chính thức có hiệu lực từ 01/8/2020. Hiệp định này tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU, nhất là hàng hóa nông sản.

Báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế cũng nêu rõ, Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu khoảng 160 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 8% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Việc ký kết và triển khai EVFTA tạo cơ hội to lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam thông qua các ưu đãi về thuế.

Hàng loạt các mặt hàng như thủy sản, gạo, cà phê, mật ong, gỗ và sản phẩm gỗ, đường, rau quả trái cây tươi và chế biến… của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ được EU xóa bỏ thuế theo lộ trình, trong đó có nhiều mặt hàng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thông tin, thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Ước tính giá trị xuất khẩu NLTS vào EU tháng 8/2020 đạt 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7/2020.

Theo ông Tuấn, mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2–1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức khi đi vào thực thi, có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.

{keywords}
Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU tăng mạnh trong tháng 8

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước, và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan. Trong 1 tháng triển khai EVFTA, những tác động tích cực đã lan tỏa đến ngành gạo xuất khẩu. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.

Ước tính giá trị xuất khẩu gạo tháng 8/2020 của Việt Nam vào thị trường EU có thể đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7/2020, và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Có thể thấy, việc xuất khẩu một số sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ là thành công bước đầu của bản thân doanh nghiệp mà còn đánh dấu mốc sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế”, ông Tuấn Anh nhận định.

Tại lễ xuất khẩu tôm đi châu Âu vào ngày 11/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Hiệp định EVFTA được coi là những hiệp định thương mại (HĐTM) tự do thế hệ mới với với những cam kết sâu rộng và toàn diện so với các “HĐTM tự do truyền thống”: mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% với lộ trình ngắn); có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…

“Chúng tôi coi đây là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị cao và chất lượng cao”. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, EU với 27 quốc gia thành viên, 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD, là thị trường lớn có mức thu nhập cao.

Quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh trực tiếp. Trong đó, EU nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ cao về cơ khí, máy móc, dược phẩm, nông sản ôn đới và chế biến mà Việt Nam có nhu cầu. Còn Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm nông sản nhiệt đới mà thị trường EU cần.

Thông quan hệ này, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp thu năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất của Việt Nam để gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Thời gian vừa qua, với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các thành phần quốc tế và sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác EU, việc triển khai Hiệp định EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Đơn cử, ở lĩnh vực thủy sản xuất khẩu, tháng 8 vừa qua đơn hàng xuất khẩu sang EU tăng tới 10% so với tháng 7/2020. Các nhóm mặt hàng nông thủy sản khác của Việt Nam xuất sang thị trường này cũng tăng mạnh trong tháng 8.

“Tận dụng tốt cơ hội này, tôi tin chắc nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên tầm cao mới trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Hải Băng