RCEP với 15 nước, quy mô GDP tới gần 27.000 tỉ USD, có thể trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, được kỳ vọng thúc đẩy chuỗi giá trị và kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Tuấn Anh nói, RCEP là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

“Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp của Việt Nam có thêm cơ hội thị trường”, ông kỳ vọng.

{keywords}
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Đình Vũ, Hải Phòng. 

Có thể nói, năm 2020 với đại dịch Covid-19 tràn lan, tác động xấu lên toàn cầu, làm các nền kinh tế đóng cửa, nhu cầu sụt giảm, lại là một năm thắng lợi trong việc mở cửa và hội nhập của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực, trong đó đáng kể nhất là 2 FTA thế hệ mới với các cam kết cải cách bên trong sâu rộng là CPTPP và EVFTA. Ba FTAs khác đang trong quá trình triển khai.

Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA.

Ông nói: “Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... “.

Nhờ các FTA mở rộng cửa mà hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi khắp 5 châu rất thuận lợi. Theo Bộ Công thương, xuất khẩu 11 tháng ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8%). Cán cân thương mại sau 11 tháng năm 2020 đã xuất siêu kỷ lục gần 20,16 tỷ đô la, cao hơn nhiều so với con số 10,76 tỷ đô la của cùng kỳ năm 2019.

Ước tính cả năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục đạt trên 500 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 4-5% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là một trong những quốc gia đảm bảo mức tăng trưởng về xuất khẩu trong một số lĩnh vực rất ấn tượng dù thương mại toàn cầu đang bị xáo trộn và gián đoạn.

Việc hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tạo thêm dư địa cho hoạt động xuất, nhập khẩu; bên cạnh đó một số thị trường xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt như Trung Quốc, Mỹ. Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, sau rất nhiều năm là nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Mỹ, đến tháng 6/2020, Trung Quốc đã phải nhường vị trí này lại cho Việt Nam.

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Việt Nam chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Hoa Kỳ, mặc dù xét về tổng giá trị, xuất khẩu may mặc trong nửa đầu 2020 vẫn chưa đạt mức của năm 2019.

Đối với thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần dệt may và da giày. Tuy nhiên, EVFTA được dự báo sẽ giúp xuất khẩu giày tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hồng Hạnh, Hồng Khanh