Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh An Giang, trong tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.149 người, tăng 15,94% so với tháng 9/2021 (991 người). Trong đó, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 860 người tăng 208,24% so với tháng 9/2021 (279 người).

Gần 10% lao động thất nghiệp có trình độ đại học, cao đẳng

Người lao động thất nghiệp là lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) chiếm tỉ trọng lớn nhất với 640 người - chiếm 78,72% số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tiếp đến là trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp 85 người - chiếm 10,64%.

Đại học và trên đại học có 57 người - chiếm 7,01%; Cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp có 23 người - chiếm 2,83% và thấp nhất là người lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp với 8 người - chiếm 0,98%.

Ghi nhận của Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang cho thấy, trong khi những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và phẩm chất lao động công nghiệp hiện đại tại doanh nghiệp là rất cụ thể với từng nghề và từng vị trí việc làm thì thanh niên ra trường thường chỉ được trang bị những lý thuyết chung, năng lực thực hiện yếu, thiếu những kỹ năng sống quan trọng. Đặc biệt, lao động trình độ cao yếu tin học và ngoại ngữ, thiếu những công cụ sắc bén để làm việc đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc độc lập và nâng cao năng suất.

{keywords}
Cơ cấu người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngành nghề. Nguồn: Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang

Đối với các ngành có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có số lượng người nộp hồ sơ nhiều nhất với 67,28%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống 3,20%; Vận tải, kho bãi 2,58%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 2,34%; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 2,21%... Các ngành Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, Hoạt động dịch vụ khác là những ngành có số lượng người nộp hồ sơ thấp nhất, chiếm 0,12%.

Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tập trung chủ yếu ở một số nghề như: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan chiếm 42,31% số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; Nhân viên bán hàng chiếm 8%; Kế toán và Thợ lắp ráp cùng chiếm 1,72%; Nhân viên dịch vụ bảo vệ chiếm 1,11%...

Một số nghề ít bị thất nghiệp trước tác động của dịch Covid-19 là Lao động trồng trọt và làm vườn, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật viên điện tử, đầu bếp chiếm tỉ trọng 0,12% - là những ngành nghề ít người bị tất nghiệp nhất...

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang, trong bối cảnh người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành chỗ dựa, giúp người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăng trước mắt. Bảo hiểm thất nghiệp là một biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong lúc mất việc làm, hỗ trợ họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, các cơ chế từ chính sách này còn hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động bị mất việc làm có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với công việc mới.

Các nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp

Theo số liệu thống kê từ phần mềm quản lý dữ liệu Bảo hiểm thất nghiệp, nguyên nhân thất nghiệp của người lao động chiếm tỉ lệ nhiều nhất là do chám dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc trước hạn với 524 người - chiếm 64,45%. Tiếp đến là mất việc làm do nguyên nhân khác với 272 người - chiếm 33,46%. Nguyên nhân hết hạn hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc có 6 người - chiếm 0,62%; do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc trái pháp luật có 5 trường hợp - chiếm 0,62%. Mất việc do doanh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu có 4 người - chiếm 0,49%. Nguyên nhân do người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải có 2 trường hợp - chiếm 0,25%.

Số lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động.

{keywords}
Nguyên nhân thất nghiệp của người lao động ở An Giang tháng 10/2021. Nguồn: Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang

Bên cạnh đó, theo đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang, thiếu định hướng nghề nghiệp chính là một trong những vấn đề lớn nhất mà sinh viên gặp phải.

"Ở An Giang, một số bạn chưa có định hướng rõ ràng về tương lai của mình. Có một số bạn sẽ chọn ngành theo sự áp đặt của cha mẹ. Bên cạnh đó, một số bạn khác lại chọn ngành hot theo xu hướng đám đông mà chưa thật sự yêu thích và không phù hợp khả năng của mình. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng có một bộ phận sinh viên lười học hay học cho có, nên ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực, làm cho đầu ra còn hạn chế.

Từ đó, dẫn đến một khối lượng lớn học sinh sinh viên chưa cụ thể được yêu cầu nghề nghiệp cần có của bản thân mà thiếu đi sự tự giác chuẩn bị trước các kỹ năng mà bản thân có thể trau dồi theo thời gian trong quá trình học tập. Vì thế, đây cũng là nguyên nhân gây ra thất nghiệp nhiều như hiện nay".

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang, tất cả người lao động nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp đều được tư vấn các thủ tục, chính sách về Bảo hiểm thất nghiệp cũng như tư vấn về việc làm và học nghề. Số người được tư vấn trong tháng 10 là 1.752 người, có 8 người được hỗ trợ học nghề.

Nguyễn Chi

1.623 lao động đầu tiên ở An Giang nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

1.623 lao động đầu tiên ở An Giang nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Tính đến hết ngày 12/10, Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang đã xử lý hồ sơ chi hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho 1.623 người lao động trên địa bàn tỉnh.