Theo đó, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1.268 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,7% năm 2015 giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%. Cơ sở hạ tầng vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư; đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

{keywords}
Gia Lai tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2020 - 2025.

Nhìn chung, công tác giảm nghèo thu được kết quả, tuy nhiên chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo còn cao; tỷ lệ tái nghèo ở một số vùng khó khăn gia tăng. 

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện nay là dưới 4,5%, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số vẫn còn cao, do vậy các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cần tiếp sức bằng những chính sách thiết thực hữu hiệu của các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giảm nghèo và giảm nghèo một cách bền vững.

Bởi vậy, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Gia Lai tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2020 - 2025, Gia Lai phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm dưới 1%/năm; đặc biệt quan tâm các giải pháp giảm nghèo một cách bền vững.

Hữu Duyên
Ảnh: Hoàng Giang