31.000 vị trí việc làm từ 116 doanh nghiệp

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp và người lao động tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam.

Tính đến nay đã có khoảng 100.000 người lao động các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (trong đó, TP.Cần Thơ khoảng 18.000 người) trở về từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Việc người dân từ các tỉnh thành Đông Nam Bộ đổ về quê thời gian qua đặt ra rất nhiều thách thức về việc làm và tuyển dụng.

{keywords}
Hàng nghìn lao động rời TP.HCM ngày 1/10 (ảnh: Phong Anh)

Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành phía Nam giãn cách kéo dài do dịch Covid-19, ngày 29/10, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm 12 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, Bình Dương tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến Khu vực đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM - Bình Dương (đợt 1) nhằm kết nối nhu cầu về việc làm và tuyển dụng trong khu vực.

Tại Phiên giao dịch, đã có hơn 31.000 vị trí việc làm được 116 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với các ngành nghề như: trưởng nhóm kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, tư vấn tài chính, tư vấn bảo hiểm, sản xuất, bảo trì - vận hành, kỹ sư thủy sản, trưởng nhóm phòng thí nghiệm, lao động phổ thông...

Riêng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ có 3 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp, 13 trực tuyến, trong đó có 11 doanh nghiệp tuyển dụng việc làm trong nước, 5 doanh nghiệp tuyển dụng việc làm ngoài nước với hơn 3.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng… Bên cạnh đó, còn có 36 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ủy thác với 1.200 vị trí việc làm trống.

Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao như: Công ty May mặc ALLIANCE ONE (Bến Tre) tuyển 3.000 lao động phổ thông với mức lương từ 5,5 triệu đồng/tháng trở lên; Công ty TNHH Sài Gòn STEC với 1.000 lao động; Công ty TNHH Teakwang Cần Thơ tuyển dụng 2.000 lao động...

Ông Lê Ngọc Trường Giang - Trưởng phòng hành chính, kiêm các vấn đề tuyển dụng trực tiếp của Công ty CP MK, thuộc mảng giáo dục tiểu học và mầm non tại TP.Cần Thơ cho biết: “Sau một thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều nhân sự của công ty phải nghỉ làm, trong đó có nhiều giáo viên đã chuyển sang ngành nghề khác. Vì vậy, nhu cầu tìm nhân sự của công ty cũng rất cao”.

Chuẩn bị tốt nhất cho người lao động

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, để chuẩn bị vận hành cho các Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM - Bình Dương, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đều chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực… Mỗi Trung tâm Dịch vụ việc làm bố trí ít nhất 5 hệ thống nối mạng có camera để phục vụ cuộc phỏng vấn trực tuyến nhằm đảm bảo 100% cuộc phỏng vấn đều đạt yêu cầu về kỹ thuật.

Ngoài ra, các Trung tâm Dịch vụ việc làm có sẵn nguồn dữ liệu từ Bảo hiểm thất nghiệp, qua đó rà soát, mời gọi người lao động tham gia sự kiện các Phiên/Sàn giao dịch việc làm. Mỗi Trung tâm Dịch vụ việc làm đều có cổng thông tin điện tử để người lao động đăng ký ứng tuyển…

Đặc biệt, các trung tâm có sự hỗ trợ ứng viên trước khi tham gia phiên thông qua buổi hướng dẫn ứng viên phương thức tham gia phiên và hướng dẫn kỹ năng tham gia phỏng vấn trực tuyến. Cụ thể, Cần Thơ đã hỗ trợ hướng dẫn cho hơn 300 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.

{keywords}
Người lao động tham gia phỏng vấn trực tuyến với doanh nghiệp tại các tỉnh, thành khác trong khu vực. Ảnh: Trường Tiến

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trước những khó khăn của thị trường lao động do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL - TP.HCM - Bình Dương là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, đúng thời điểm, nhằm tạo cơ hội việc làm cho người lao động, giúp người lao động quay lại thị trường lao động trong và ngoài nước. Đồng thời, cung ứng cho doanh nghiệp các tỉnh, thành nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu để trở lại sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Hè đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ liên kết với các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực tổ chức thêm nhiều phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong thời gian tới, duy trì tốt các hoạt động tư vấn việc làm đào tạo kỹ năng cho người lao động, đồng thời hỗ trợ người lao động trở về từ các tỉnh, thành phố, tạo cơ hội việc làm cho người lao động thông qua các sàn giao dịch việc làm.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ chủ động phối hợp với các đơn vị giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động hỗ trợ việc làm cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung phương thức các phiên giao dịch việc làm trong thời gian tới theo hướng chuyên xâu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kết nối…

Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động cần chủ động hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, thường xuyên cung cấp các thông tin tuyển dụng và tham gia tuyển dụng tại các sự kiện giao dịch việc làm; cũng như cần có cơ chế thích hợp để thu hút người lao động, thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ về chính sách tiền lương, chính sách thu nhập và các phúc lợi khác.

Nguyễn Chi

Khảo sát hơn 600 doanh nghiệp để tìm cơ hội việc làm cho người lao động

Khảo sát hơn 600 doanh nghiệp để tìm cơ hội việc làm cho người lao động

Trong gần hai tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã khảo sát 616 doanh nghiệp trên địa bàn để tìm kiếm cơ hội việc làm cho người lao động.