Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 về công tác nhân quyền trong tình hình mới yêu cầu: “Nghiên cứu đưa nội dung về nhân quyền vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng nội dung tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về nhân quyền phù hợp với từng đối tượng trong xã hội.” 

{keywords}
Giáo dục quyền con người tại các nhà trường gồm các hoạt động giảng dạy, đào tạo mang tính hệ thống và chính quy.

Nếu giáo dục quyền con người tại các nhà trường gồm các hoạt động giảng dạy, đào tạo mang tính hệ thống và chính quy, thì giáo dục nhân quyền ngoài nhà trường, mà cơ bản là trong các tổ chức chính trị và xã hội gồm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin, sinh hoạt chuyên đề và tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức là chủ yếu.

Tại đây, hoạt động giáo dục nhân quyền góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và năng lực về quyền con người cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mà không thể hoặc không còn cơ hội học tập ở hệ thống nhà trường. Trong số các đối tượng này, có những nhóm rất quan trọng như cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, thậm chí cả đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội.

Vận dụng quan điểm của Đại hội XII của Đảng vào giáo dục quyền con người

Việc vận dụng quan điểm của Đại hội XII của Đảng vào giáo dục quyền con người trong các tổ chức chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay, có thể được thực hiện theo các phương hướng sau: 

Thứ nhất, bám sát đối tượng và phạm vi nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn và đưa thực tiễn vào giảng dạy để kết nối người dạy và người học.

Việc lồng ghép cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong giáo dục tại các tổ chức chính trị và xã hội không phải để xa rời mục đích, nội dung giáo dục chuyên đề; trái lại, bằng những kiến thức, kinh nghiệm của mình, giảng viên xuất phát từ những người thực, việc thực với những phẩm chất, hành động, hành vi của họ nêu thành những ví dụ điển hình trong thực tiễn hoặc những luận đề cụ thể với sự tham gia của người học, để vừa cung cấp thông tin vừa diễn giải nhằm chứng minh các luận đề đó thành luận điểm khoa học được cả người dạy và người học chấp nhận được. Từ đó giúp học viên tích cực, chủ động nắm bắt nội dung bài học nhanh chóng và có thể vận dụng linh hoạt vào các tình huống trong thực tế. 

Thứ hai, thiết kế bài giảng phù hợp với người học.

Giảng viên nghiên cứu kỹ, chủ động biên soạn bài giảng một cách khoa học, hợp lý, theo nguyên tắc bám sát nội dung chương trình và phù hợp với đối tượng, nhằm vừa đảm bảo việc học (và) tập ở lớp vừa hướng dẫn cho học viên tự học, nghiên cứu ở nhà có hiệu quả. Thông qua đó phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo trong quá trình tìm hiểu, nắm bắt và đào sâu thông tin, kiến thức chuyên ngành của mỗi lĩnh vực chính trị và xã hội của học viên. Cách tiếp cận dựa trên quyền con người và cả kiến thức nhân quyền được lồng ghép trong cách tiếp cận, phương pháp và kiến thức chuyên ngành chính trị và xã hội sẽ làm cho các lĩnh vực chính trị và xã hội thấm đẫm đặc điểm “vì con người”, do đó sống động hơn, và có tính hướng dẫn thực tế hiệu quả hơn.

{keywords}
Cách tiếp cận dựa trên quyền con người và cả kiến thức nhân quyền được lồng ghép trong cách tiếp cận, phương pháp và kiến thức chuyên ngành chính trị và xã hội sẽ làm cho các lĩnh vực chính trị và xã hội thấm đẫm đặc điểm “vì con người”, do đó sống động hơn, và có tính hướng dẫn thực tế hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: Dũng Lê

Thứ ba, nghiên cứu và tham chiếu hợp lý một số tài liệu cơ bản về quyền con người.

Hiện nay, số tài liệu thuộc diện “cơ bản” về quyền con người cũng nhiều. Cho nên cần tập trung lựa chọn tài liệu dưới dạng giáo trình về lý luận và pháp luật nhân quyền của Viện Nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Khoa Luật thuộc Đại học quốc gia Hà Nội và của Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, để có thể nắm vững được những kiến thức nhân quyền cơ bản. Nhờ đó, giảng viên có thể hiểu đúng thực chất, chính xác các quan điểm, nguyên lý, cơ sở lý luận tin cậy nhất trong quá trình nghiên cứu việc lồng ghép cách tiếp cận dựa trên quyền con người vào việc biên soạn và thực hiện bài giảng ở trên lớp. 

Riêng đối với ngành luật, còn cần phải tìm hiểu thêm các văn bản pháp lý có liên quan đến đối tượng của bài giảng. Và trong quá trình biên soạn hay thực hiện bài giảng ở trên lớp, không chỉ lồng ghép cách tiếp cận dựa trên quyền con người, mà cần thiết vận dụng cả kiến thức nhân quyền. 

Thứ tư, cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học.

Để thực hiện cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong giáo dục tại các tổ chức chính trị và xã hội, đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo kiến thức của các môn khoa học chính trị và xã hội. Mà các môn này thường nặng về lý luận, có tính trừu tượng và tính khái quát cao. Ngoài việc phải làm rõ những tri thức khoa học với nhiều thuật ngữ, khái niệm, phạm trù, tính quy luật, còn phải chuyển tải đến người học nhiều nội dung quan trọng trong đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cách tiếp cận dựa trên quyền con người, cũng như các cách tiếp cận của các phương pháp khác, sở dĩ có thể lồng ghép được trong giảng dạy các chuyên đề (hay môn học) chính trị và xã hội, là do đều được quán triệt các nguyên tắc có tính phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng: a/ Nguyên tắc khách quan; b/ Nguyên tắc lịch sử - cụ thể; c/ Nguyên tắc hệ thống và phát triển.

Thực tế cho thấy, với kinh nghiệm giảng dạy lý thuyết kết hợp chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, giảng viên có thể kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau tuỳ thuộc vào nội dung chuyên đề (hay bài giảng) vào điều kiện lớp học cũng như đối tượng học viên. Đối với học viên, để học (và) tập, ngoài giờ học chuyên ngành, họ còn cần được tham gia vào các buổi hoạt động ngoại khóa, các hội thảo định hướng nghề nghiệp và các chuyến đi thực tế. Việc kết hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau sẽ giúp người học tiếp cận nội dung bài giảng ở những góc độ và điều kiện khác nhau. Từ đó họ chiêm nghiệm ra rằng, chỉ xuất phát từ phẩm chất, nhu cầu của bản thân mới có thể nhận thức sâu hơn, vận dụng tốt hơn những kiến thức chính trị và xã hội.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Thứ năm, chú ý liên hệ với thực tiễn trong nước và quốc tế, với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của của Đảng, Nhà nước.

Đối với mỗi vấn đề thực tiễn, khi giảng dạy cần giúp học viên nhận thức, lý giải vấn đề một cách khách quan, toàn diện, biết đánh giá vấn đề từ các góc nhìn đa chiều, biết gắn thực tiễn với lý luận trong nước và quốc tế. Nhờ đó, giúp họ ý thức sâu sắc hơn về các vấn đề chính trị, xã hội thường gắn với nhân quyền; và vấn đề nhân quyền, tuy là một vấn đề cơ bản, có tính thường trực trong mỗi cá nhân và cộng đồng, song quá trình giải quyết vấn đề đó và bảo đảm quyền con người, luôn phải gắn với các vấn đề khác trong đời sống chính trị và xã hội có tính thực tiễn của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay. 

Cuối cùng, tất cả các chuyên đề chính trị và xã hội, suy cho cùng, đều xuất phát và hướng đến con người. Tuy vậy, do tính đa chiều, phức tạp trong cách hiểu, cách tiếp cận các vấn đề chính trị, xã hội, nên việc lồng ghép cách tiếp cận và kiến thức nhân quyền trong giảng dạy các chuyên đề (hay môn học) này, cho đến nay, vẫn chưa được chú ý đúng mức và còn không ít bất cập, hạn chế. Vì vậy, cần học hỏi và trao đổi có tính cầu thị về kinh nghiệm lồng ghép cách tiếp cận dựa trên quyền con người và lồng ghép kiến thức nhân quyền trong quá trình giáo dục các chuyên đề chính trị và xã hội, để có được một số nhận thức chung, nhằm thúc đẩy việc bồi dưỡng kiến thức, phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu về quyền con người cho các các tổ chức chính trị và xã hội trong cả nước.

Thu Thủy