Hơn 7 năm trước, người dân xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên chủ yếu trồngcác giống sắn KM98 - 5 hoặc KM140, qua thời gian, các giống sắn này đã thoái hóa, nhiễm bệnh chổi rồng, rệp sáp... nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ niên vụ 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên chuyển đổi các giống sắn mới KM94, KM440, KM419..., bà con trong xã chọn trồng đại trà giống sắn KM419, vì giống này phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và cho sản lượng cao.

TS Nguyễn Thị Trúc Mai, công tác tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên (Sở NN-PTNT Phú Yên). TS Trúc Mai đã nghiên cứu thành công đề tài giống sắn mới KM419 và tham mưu Sở NN-PTNT Phú Yên phối hợp với Trường đại học Nông lâm Huế đưa giống sắn này trồng thí điểm tại Đức Bình Đông.

Giống sắn KM419 được tạo từ tổ hợp lai BKA900 với KM98-5, có thời gian sinh trưởng 7-15 tháng. Nếu thời tiết thuận lợi thì giống sắn này cho sản lượng bình quân trên 30 tấn/ha, cao hơn 29% so với giống cũ KM94. Cây sắn KM419 dễ trồng, ít nhiễm sâu bệnh, củ đồng đều, hàm lượng tinh bột 27,8-30,7%, năng suất tinh bột 10,1-15,8 tấn/ha.

Ông Nông Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, cho biết: “Tháng 3/2014 ở xã chỉ có 1 hộ dân trồng thí điểm giống sắn KM419 trên diện tích 5ha do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên triển khai. Còn hiện nay, toàn xã có hơn 250 hộ trồng 1.550ha giống sắn KM419, còn lại khoảng 300ha trồng các giống KM94, KM440. “Nhìn chung các giống sắn mới đem lại sản lượng cao, trong đó nổi trội là giống KM419”, ông Trình cho biết thêm.

{keywords}
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống sắn, xã Đức Bình Đông đã giúp người dân nơi đây tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Ảnh minh họa.

Theo lão nông Bùi Văn Nhương: “Trồng sắn theo mô hình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cho củ to hơn cách trồng lâu nay. Các củ trong bụi sắn của mô hình lớn đều và nhiều củ hơn”.

Xã Đức Bình Đông đang vào vụ thu hoạch sắn niên vụ 2018-2019, hầu hết người trồng sắn nơi đây vui vẻ cho biết: Các năm trước, thời tiết thuận lợi thì mỗi hécta sắn thu hơn 30 tấn củ. Còn năm nay nắng hạn kéo dài, ảnh hưởng đến sản lượng, chỉ khoảng 28 tấn/ha. Giá bán cho nhà máy sắn từ 2.200-2.300 đồng/kg sắn tươi, dù có mất mùa nhưng vẫn lãi gần 15 triệu đồng/ha, chưa kể tiền bán hom sắn giống.

Ông Trần Quốc Bổn ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông cho biết: “Năm trước tôi trồng 3ha sắn KM419, nhờ chăm sóc tốt nên cho năng suất trên 30 tấn/ha, giá bán trung bình 1.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi trên 15 triệu đồng/ha”. Cũng theo ông Bổn, trồng giống sắn mới KM419 đòi hỏi phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, mật độ khoảng 14.000 bụi/ha, bón phân hữu cơ đầy đủ, đồng thời làm sạch cỏ ít nhất 3 lần kết hợp vun luống cho đất xốp. Vụ sắn năm nay ông Bổn vẫn trồng 3ha sắn KM419, mặc dù ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, sản lượng có thấp hơn, nhưng giá sắn ở mức từ 2.200-2.300 đồng/kg củ tươi, ông thu về 15 triệu đồng/ha, cao hơn trồng giống sắn cũ 5 triệu đồng/ha.

Ông Lê Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông phấn khởi chia sẻ: “Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ hơn 2 năm trước. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về hộ nghèo (tiêu chí số 11) rất quan trọng.

Không thể phủ nhận, việc chuyển đổi giống sắn mới từ tháng 3/2014 đến nay đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp hàng trăm hộ trong xã thoát nghèo. Hiện toàn xã chỉ còn 53 hộ nghèo, trong đó có 10 hộ chính sách, bảo trợ xã hội, chiếm 3,2% tổng số hộ trong xã. 

Hồng Liên