Chưa giảm lãi suất điều hành

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết việc giảm lãi suất điều hành, hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay. Ngân hàng Nhà nước luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành, hay là có sự điều chỉnh mức độ đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. 

Theo ông Đào Minh Tú, để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh phải được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn, mà trước hết phải đảm bảo được mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, đồng thời đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của quốc gia trong ngắn và trung hạn.

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế.

Hơn nữa, qua phân tích diễn biến thị trường, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy vốn khả dụng các ngân hàng thương mại hay là thanh khoản các ngân hàng thương mại khá dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp, cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh và đang thực hiện cách ly tại nhiều địa phương. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh kịp thời. Quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định vĩ mô bền vững để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch. 

{keywords}
Giữ lãi suất điều hành ổn định, giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn quan tâm, đề phòng, đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa, cảnh giác với yếu tố có nguy cơ lạm phát đã và đang xuất hiện", ông Tú khẳng định.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho biết NHNN vẫn đang theo dõi chặt các diễn biến để có các công cụ hữu hiệu, vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ đúng thời điểm, từ đó phát huy tác dụng, đạt hiệu quả cao nhất.

Trong năm 2020, NHNN đã thực hiện một loạt các đợt cắt giảm lãi suất vào ngày 17/3, 13/5 và 1/20/2020 với các nội dung quan trọng như: Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0% xuống 4,0%; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0% xuống 2,5% và lãi suất OMO từ 4,0% xuống 2,5%. Giảm trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng 5,0% xuống 4,0%. Đồng thời ban hành Thông tư 01/2020 với các ngân hàng cùng thực hiện tái cơ cấu/ giảm lãi vay cho một số khoản dư nợ và khoản vay mới cũng như giảm phí các loại giao dịch ngân hàng.

Thông qua đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi của Việt Nam đã về mức thấp nhất khu vực. NHNN khẳng định qua đó đã hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất vay được điều chỉnh xuống thấp hơn trước từ 1,0%-1,5%; với các khoản cho vay các lĩnh vực ưu tiên là 2%.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Ngân hàng Nhà nước, dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, nhiều chỉ đạo tại Nghị quyết và các văn bản về việc hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do dịch gây ra.

Ngay từ tháng 7/2021, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 1284/QĐNHNN ngày 28/7/2021 về Chương trình hành động của ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ.

Ông Đào Minh Tú cho biết, ngoài các biện pháp cơ cấu các khoản nợ, lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực, cụ thể nhất đối với doanh nghiệp lúc này.

Thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho cả khoản vay cũ, mới. Thống kê sơ bộ kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho doanh nghiệp, nền kinh tế của các tổ chức tín dụng khoảng 18.830 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn trước tình trạng dịch căng thẳng nên nhiệm vụ đặt ra giảm lãi suất cho doanh nghiệp là rất căn cơ, thiết thực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm đồng hành cùng doanh nghiệp giảm tích cực hơn nữa lãi suất cho doanh nghiệp bằng 2 cách. Một là, tiết giảm chi phí hoạt động, 2 là chia sẻ từ nguồn lợi nhuận.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bảo Anh