Với vai trò trụ đỡ trong cơn bão dịch, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn không chỉ cấp tập chuyển dịch thị trường xuất khẩu mà còn cần định hướng chuyển dịch về cơ cấu sản phẩm trong chế biến và phát triển mạnh mẽ thị trường nông sản.

Chủ đề này cũng vừa được thảo luận tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021 tổ chức hôm nay (28/4). Các đại biểu tham dự đã tập trung bàn thảo về những nút thắt, dư địa phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh mới, nhằm triển khai nhanh chóng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống; đồng thời góp phần thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tập trung vào giá trị gia tăng theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 255 ngày 25/2/2021.

{keywords}
Phối hợp tập trung thực hiện 10 giải pháp để giải quyết các “nút thắt”, phát triển mạnh mẽ thị trường nông sản. Ảnh minh họa

Việt Nam hiện xếp thứ 17 về xuất khẩu nông lâm thủy sản trên thế giới: kim ngạch năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD tuy nhiên mới chiếm 1,95% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của thế giới, chính vì vậy, thị trường thế giới với 7,8 tỷ người (số liệu 9/2020) với nhu cầu tiêu thụ nông lâm thủy sản rất lớn, sẽ còn nhiều dư địa để Việt Nam phát triển.

Để làm được điều đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phối hợp tập trung thực hiện 10 giải pháp để giải quyết các “nút thắt”, phát triển mạnh mẽ thị trường nông sản trong thời gian tới. Đó là tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ và EU. Tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm nông sản bao gồm: hoa quả tươi, rau, thủy sản, tổ yến, thịt các loại vào thị trường Trung Quốc. Mở rộng thị trường sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh kinh tế Á-Âu, khối thị trường Halal, châu Phi, ASEAN...

Bên cạnh đó, phối hợp với các Đại sứ quán, Thương vụ tại các nước thường xuyên cung cấp thông tin, đặc biệt là các thông tin thị trường, dự báo về thị trường để có định hướng xuất khẩu vào những thị trường có lợi thế; định hướng, quy hoạch sản xuất trong nước, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của các quốc gia khó tính, sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với xuất khẩu.  

Các đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam ra thị trường thế giới, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực quốc gia, phát triển nông sản theo 3 trục sản phẩm gồm: trục sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương làm các mũi nhọn gắn với chỉ dẫn địa lý. Tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đồng thời phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục đề xuất phát triển mạng lưới Tham tán nông nghiệp tại nước ngoài tại một số thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... để kết nối, thúc đẩy phát triển thị trường nông sản...

Thanh Tùng