Tiếp tục tăng trưởng

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,58 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 7,44 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường EU trong 7 tháng đầu năm 2021, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng khá, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới EU đạt 331,7 triệu USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Mặt hàng có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là  đồ nội thất văn phòng và đồ nội thất nhà bếp.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường EU đều tăng trưởng khá. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Đức đạt 80,3 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới EU. Tiếp theo là Pháp đạt 78,4 triệu USD, tăng 29,5%; Hà Lan đạt 63,4 triệu USD, tăng 50%; Bỉ đạt 40,5 triệu USD, tăng 55,7%...

{keywords}
Gỗ Việt nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương cho biết, các thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành chế biến gỗ Bình Dương đang tăng mạnh. Thị trường Mỹ chiếm hơn 65% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Bình Dương, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2020; thị trường Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 8,5%, tăng hơn 47%; thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5,6%, tăng 43%. 

Xu hướng phát triển nhanh chóng phương thức bán hàng trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, dễ dàng tương tác với người tiêu dùng EU, nắm bắt thị hiếu và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Lợi thế từ huế quan để nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo Hiệp định EVFTA giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí; tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường này trong thời gian tới.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, cùng với khối thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) những tháng cuối năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang châu Âu sẽ tăng mạnh, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát; châu Âu nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn.

Nâng cao vị thế

Để đáp ứng được các đơn hàng nhập khẩu gỗ đổ về Bình Dương, các doanh nghiệp gỗ Bình Dương đã nhanh chóng thích nghi, chuyển đổi phương thức sản xuất và giao dịch phù hợp. Không ít doanh nghiệp trong các ngành tại các khu công nghiệp ở Bình Dương đang thuê thêm đất mở xưởng để kịp đáp ứng các đơn hàng chuyển dịch từ thị trường Trung Quốc, khi nước này đang chịu thuế suất nhập khẩu 25% vào thị trường Mỹ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ và không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thị trường Mỹ hiện chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành chế biến xuất khẩu gỗ Bình Dương. Riêng với mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua là dấu hiệu tích cực.

Cùng với những quy định mới của thị trường Mỹ, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với một vấn đề chung của nền kinh tế thế giới. Đó là tình trạng thiếu container rỗng để xuất hàng qua các cảng quốc tế trước khi chuyển giao cho các khách hàng khắp thế giới.

Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng, ngày 7/9/2021, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã có Công văn số 68/HHG-VP gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ nhằm duy trì sản xuất và tái phục hồi.

Theo đó, đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế. Đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hoặc “2 tại chỗ” tùy theo tình hình thực tế. Cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vắc xin và thực hiện nghiêm túc 5K. Cho phép các doanh nghiệp tự test Covid-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của doanh nghiệp...

Đồng thời đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất. Hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3-6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, mức lãi suất thấp từ 2-3%....

Về dài hạn, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí quỹ đất để quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết sản xuất tốt hơn. Có hệ thống kho bãi chứa hàng và dự trữ nguyên liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất và kịp thời ứng phó trong bối cảnh bất thường khi hoạt động xuất/nhập khẩu gặp khó khăn.

Thanh Bình