Trong một bài phân tích về năng lượng tái tạo, The ASEAN Post cho biết Việt Nam đã tạo ra một kỷ lục mới về năng lượng mặt trời trên mái nhà khi có mức năng lượng tăng gấp 8 lần vào cuối tháng 12/2020 so với năm 2019.

Bài báo này nhận định, trong vòng chưa đầy 2 năm sau khi áp dụng chính sách thuế đặc biệt, Việt Nam đã chứng kiến bùng nổ năng lượng mặt trời. Những thành tựu gần đây đã đưa Việt Nam trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ 3 trên thế giới vào năm 2020.

{keywords}
Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ cho năng lượng mặt trời trên mái nhà khá khác biệt so với các nước láng giềng còn lại trong ASEAN.

Phân tích của The ASEAN Post cho thấy Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ cho năng lượng mặt trời trên mái nhà khá khác biệt so với các nước láng giềng còn lại trong ASEAN.

Trong khi các quốc gia ASEAN khác thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà bằng cách sử dụng phương pháp đo đếm ròng nhằm mục đích tự tiêu thụ như ở Malaysia và Thái Lan, hoặc chủ yếu tập trung vào việc sử dụng cho dân cư như ở Indonesia, thì Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ cho năng lượng mặt trời trên mái nhà bằng việc áp dụng Biểu giá điện (FiT), tức là khi người dân lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, họ có thể bán lại lượng điện mặt trời dùng không hết cho lưới điện theo giá FiT (cao hơn) và mua điện với mức giá điện lưới (thấp hơn) để sử dụng. Chính sách này giúp các hộ gia đình tiết kiệm đáng kể tiền điện và góp phần giảm tải lưới điện quốc gia, bảo vệ môi trường.

Nhờ vậy, đến nay Việt Nam đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư cho khoảng 101.000 công trình lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà, với sự tham gia không chỉ của khu dân cư mà cả khu công nghiệp và thương mại.

Tác động của sự bùng nổ năng lượng mặt trời hiện nay ở Việt Nam đối với ngành điện là khá rõ ràng, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn cả với khối ASEAN. Nếu tiếp tục phát triển NLTT với tốc độ hiện tại Việt Nam có thể giúp ASEAN đạt được mục tiêu 23% NLTT trong cơ cấu năng lượng tổng thể vào năm 2025.

The ASEAN Post cho rằng Việt Nam có thể đưa khu vực tiến gần hơn đến mục tiêu NLTT vào năm 2025. Năm 2017, thị phần NLTT của ASEAN trong nguồn cung năng lượng sơ cấp vẫn chỉ ở mức 13,7%.

Nếu duy trì tốc độ phát triển năng lượng mặt trời như hiện nay, Việt Nam có thể đạt được lợi ích lớn bằng cách thu hẹp khoảng cách trong các mục tiêu NLTT hiện tại của khu vực. Quan trọng nhất, kinh nghiệm của Việt Nam với sự bùng nổ của năng lượng mặt trời đã cho thấy rằng những điều tưởng chừng như không thể vẫn có thể thành hiện thực, đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các nước ASEAN khác đi theo con đường tương tự.

Việt Nam cũng có thể tạo ra một động lực lớn cho Lưới điện ASEAN, xây dựng một con đường kết nối mới tới Việt Nam với tư cách là một nhà kinh doanh điện chủ đạo khác.

Hiện tại, tiêu điểm của giao dịch điện đa phương trong ASEAN là dự án kết nối điện Lào-Thái Lan-Malaysia và đang được mở rộng bao gồm cả Singapore, trong đó Lào có vai trò quan trọng trong việc mua bán điện song phương hoặc đa phương do có nguồn thủy điện lớn.

Tuy nhiên, những rủi ro về biến đổi khí hậu hiện nay như hạn hán kéo dài đã làm tăng thách thức trong việc duy trì nguồn cung cấp cho các tuyến liên kết xuất nhập khẩu điện ở khu vực sông Mekong trong mùa khô.

Với việc tăng cường lắp đặt năng lượng mặt trời và gió chủ yếu ở miền Nam Việt Nam, khả năng kết nối mới với các nước láng giềng ASEAN đang trở nên khả thi hơn. Sự bùng nổ năng lượng mặt trời đã khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn kinh doanh năng lượng tái tạo khác cho ASEAN ngoài Lào. Có thể không lâu nữa, sự bùng nổ NLTT ở Việt Nam có thể kích thích hoạt động thương mại đa phương mới trong khuôn khổ Lưới điện ASEAN.

Với sự phát triển năng lượng tái tạo hiện tại và dự kiến, Việt Nam cũng có thể bán lượng điện năng lượng tái tạo dư thừa cho Campuchia, và có thể biến thành một đường kết nối Việt Nam-Campuchia-Thái Lan-Malaysia (VCTM) trong tương lai không xa.

Phùng Thủy (tổng hợp)