Thay vì chỉ có ở một vài tỉnh, những năm gần đây cam được trồng ở nhiều tỉnh thành nước ta, từ các tỉnh miền Bắc vào tới miền Nam, nhà nhà đua nhau trồng cam. 

Thời điểm hiện tại, cam đang vào mùa thu hoạch, sản phẩm được bày bán tràn ngập thị trường với giá khá rẻ, chỉ từ 6.000-40.000 đồng/kg tuỳ loại.

Để tránh “vỡ trận” rồi rơi vào khủng hoảng thừa khiến giá cam rớt thảm, tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế năm 2020 tổ chức tại Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho biết, trong những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, song song với việc quy hoạch định hướng lại hàng hóa nông nghiệp, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách tập trung cho các sản phẩm như cam của tỉnh theo hướng sản xuất an toàn, đẩy mạnh chế biến sâu.

Theo vị lãnh đạo này, Hà Giang có có nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là với sản phẩm canh sành.

{keywords}
Người nông dân Hà Giang đang chuyển đổi trồng cam theo phương thức truyền thống sang mô hình VietGAP có chỉ dẫn địa lý. Trong thời gian sẽ đẩy mạnh chế biến sâu quả cam để hình thành chuỗi sản xuất khép kín

Trong niên vụ 2020-2021, tổng diện tích cam toàn tỉnh ước đạt gần 8,9 nghìn ha, sản lượng ước đạt trên 83.000 tấn. Trong đó, cam Sành có diện tích khoảng 6.570 ha, diện tích cho sản phẩm là 5.738ha, sản lượng ước đạt 68.000 tấn; Cam lòng vàng có diện tích khoảng 2.324ha, diện tích cho sản phẩm khoảng 1.448ha, sản lượng ước đạt trên 15.000 tấn.

Sản phẩm cam sành Hà Giang có diện tích lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với tổng diện tích 6.849ha, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng "Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt".

Tại nhiều vùng cam của tỉnh này, người dân cũng đang tích cực chuyển đổi mô hình trồng cao từ phương thức truyền thống sang tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm. 

Đơn cử, tại xã Hương Sơn (Quang Bình, Hà Giang), trong tổng số 638 ha cam, quýt, có đến gần 400ha VietGAP; 6/6 thôn xây dựng những mô hình điểm trồng cam hàng hóa quy trình VietGAP. Niên vụ 2019-2020, với diện tích cho thu hoạch 477ha, năng suất bình quân đạt 10 - 12 tấn/ha, sản lượng đạt 5.100 tấn. Qua đó, cho nguồn thu trên 30 tỷ đồng và chiếm 38,5% tổng giá trị kinh tế toàn xã.

Anh Đặng Văn Tương, thôn Sơn Trung (Hương Sơn) cho biết, trồng cam VietGAP hạn chế mức thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, ưu tiên dùng phân hữu cơ nên giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, dù nông dân luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, thì giá bán cam VietGAP vẫn ổn định. Mỗi năm, nhà tôi thu hoạch được khoảng 40-45 tấn quả, lợi nhuận đạt trên 150 triệu đồng. 

“Niên vụ 2020-2021, vườn cam của tôi được huyện Quang Bình lựa chọn xây dựng vườn cam mẫu. Tôi được hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật như: Cắt tỉa, bón phân, phun thuốc và tham gia giới thiệu, xúc tiến sản phẩm tại các thị trường lớn. Đây là cơ hội để người dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, làm giàu trên mảnh đất quê hương”, ông Tương chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Khắc Quyền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, tỉnh này có hai sản phẩm cam chính gồm cam vàng và cam sành. Tỉnh đang chỉ đạo xây dựng đề án cây có múi trên địa bàn tỉnh, trong đó sẽ quy hoạch lại toàn bộ vùng nguyên liệu, vùng nào trồng cam sành, vùng nào trồng cam vàng, để diện tích không mở rộng thêm, đảm bảo sản xuất ra hàng hóa có chất lượng, có chỉ dẫn địa lý.

Cũng theo ông Quyền, tỉnh hiện có 3 cơ sở chế biến cam, tuy nhiên sản lượng chế biến chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng. 

"Trong tương lai, để đảm bảo tiêu thụ, ổn định đầu ra, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm các đơn vị chế biến đảm bảo cho các sản phẩm cam cung cấp cho người tiêu dùng quanh năm, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm", ông Quyền nhấn mạnh.

Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, không chỉ đối với quả cam, khi làm tốt khâu chế biến nông sản thì hàng hóa nông dân sản xuất ra sẽ có giá ổn định hơn, nông sản chế biến bảo quản được lâu và xuất khẩu giá cao hơn. Nếu không làm tốt khâu này thì nông sản khó gia tăng giá trị, không giải quyết được vấn đề thời vụ.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nơi nông dân khóc ròng vì tình trạng nông sản bí đầu ra, giá giảm mạnh, phải “giải cứu” do khó xuất khẩu. Song, nông sản chế biến gần như không bị ảnh hưởng, thậm chí tại một số doanh nghiệp, sản phẩm nông sản chế biến còn cháy hàng do nhu cầu tăng đột biến khi dịch bệnh bùng phát.

Hải Băng