Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần). Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Tày, La Chí, Pà Thẻn, Lô Lô, Sán Dìu… trình độ dân trí thấp.

{keywords}
Hà Giang

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong năm 2020, UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra mục tiêu cụ thể là: Giảm trên 8.710 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt trên 4,2%, riêng đối với các huyện và các xã nghèo giảm trên 6%, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 24,4 triệu đồng/người/năm; Phấn đấu đào tạo nghề cho 13.000 người, trong đó đào tạo nghề ngắn hạn cho 12.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 51%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 41,6%; giải quyết việc làm mới cho 16.350 lao động, trong đó đi làm việc nước ngoài và làm việc tại các tỉnh trong nước là 4.500 lao động. Triển khai 33 Dự án mô hình nhân rộng giảm nghèo với trên 500 hộ nghèo tham gia.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, đến thời điểm 31/12/2019, toàn tỉnh Hà Giang giảm được 4,44% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,17% vào cuối năm 2018 xuống còn 26,73% vào cuối năm 2019 (theo Chuẩn nghèo đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020). Tổng số hộ nghèo của tỉnh, tính đến thời điểm 31/12/2019 là 48.824 hộ, chiếm 26,73% tổng số hộ của toàn tỉnh. Số hộ cận nghèo là 26.097 hộ, chiếm trên 14,28% tổng số hộ của toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay, Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo của cả nước, thu nhập bình quân đầu người thấp. Vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Văn Hùng
Ảnh: Ngọc Dũng