Tỉnh miền núi đổi thay nhờ Chương trình MTQG xóa đói giảm nghèo

Hà Giang vốn được biết là một trong những địa phương còn gặp vô vàn khó khăn trên bước đường thúc đẩy KT-XH phát triển. Vậy nhưng thời gian qua, Hà Giang  đã dần trở thành điển hình của cả nước về thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.

Để có được điều đó, tỉnh Hà Giang đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều chính sách, giải pháp

UBND tỉnh đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Theo đó, căn cứ các nội dung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) của tỉnh; các huyện, thành phố tiến hành thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo cấp huyện; ban hành quy chế làm việc và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên. Xây dựng, ban hành các nghị quyết chuyên đề; các chương trình, kế hoạch, đề án về Chương trình GNBV của địa phương.

Ngoài việc ban hành cá nghị quyết, quyết định về công tác giảm nghèo, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách đã, đang mang lại hiệu quả to lớn.

Điển hình như hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ học sinh bán trú chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm Y tế cho đối tượng hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên,…

Đồng thời, các cấp, ngành cũng đã tập trung huy động nhiều nguồn lực, giải pháp cho chương trình giảm nghèo như: huy động vốn, phương tiện sản xuất; phân công cán bộ, đảng viên, hội viên nhận đỡ đầu hộ nghèo; triển khai các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ đó, từ nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình GNBV trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Giang giảm 33.163 hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016; trong đó 6 huyện nghèo tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016, đạt mục tiêu của Nghị quyết đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,8 triệu đồng; tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 52,6%/55%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 42,8%/45%...

{keywords}
Chương trình hỗ trợ nhà ở từ nguồn xã hội hóa cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Nhiều cách làm hay, tích cực

Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách và nghị quyết về Chương trình GNBV, nhiều đơn vị đã có cách làm hay, tích cực.

Trong đó, Hội Nông dân; Hội Phụ nữ; Hội Cựu chiến binh đã tích cực vận động các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi hỗ trợ thiết thực cho trên 72.300 lượt hộ nghèo; Hội Phụ nữ tỉnh làm tốt công tác vận động, tuyên truyền hội viên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ ngày công lao động, cây con giống…

Cùng với đó, hưởng ứng Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, Liên đoàn lao động tỉnh đã phát động công nhân, viên chức lao động trên địa bàn chung tay ủng hộ đồng thời kết nối các nhà từ thiện giúp đỡ xã nghèo, hộ nghèo, như: xây dựng điểm trường, nhà công vụ, nhà văn hóa thôn, đường giao thông nông thôn, đồ dùng thiết yếu cho hộ nghèo

Về chính sách nhà ở, trong giai đoạn 2011 – 2015 đã hỗ trợ được 1.254 hộ, với tổng số kinh phí gần 31.300 triệu đồng vay từ Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, từ nguồn hỗ trợ của các Hội đoàn thể, tổ chức, cá nhân, Quỹ “Ngày vì người nghèo”, doanh nghiệp đã hỗ trợ xóa nhà tạm và sửa chữa nhà cho gần 1.000 hộ nghèo và hội viên. 

Từ tháng 8/2019, thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở từ nguồn xã hội hóa cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh đã có 2.330 hộ gia đình được triển khai xây dựng nhà ở, với tổng số tiền trên 108 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị, cá nhân, tổ chức tiếp tục hỗ trợ người dân các xã nghèo, đặc biệt khó khăn với tổng giá trị gần 500 tỷ đồng, trong đó 6 huyện nghèo của tỉnh tiếp tục được hỗ trợ gần 400 tỷ đồng. Các nguồn này chủ yếu tập trung cho xây dựng các trường học, lớp học, nhà lưu trú, bếp ăn học sinh vùng sâu, vùng xa…

Thuý Nga