Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội vừa cho biết đã hoàn thành kế hoạch khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2021 nhằm ngăn cúm gia cầm phát tác. 

Các cấp chính quyền, ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện hiệu quả nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh cúm gia cầm.

{keywords}
Tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường, ngăn chặn lây lan bệnh dịch. Ảnh Văn Giáp

Được biết, tổng số hóa chất đã cấp là 103.000 lít, số hóa chất đã sử dụng là 102.000 lít, diện tích phu đạt hơn 150 triệu m2.

Các quận, huyện, thị xã hỗ trợ hơn 300 tấn vôi bột và gần 937 triệu đồng thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.

Các địa phương triển khai tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng nơi có ổ dịch cũ, các khu vực chăn nuôi tập trung, nơi trung chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, đường làng, khu chợ…

Người dân tại các địa bàn được tuyên truyền về ý nghĩa mục đích của việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại cũng như tiêm phòng vắc-xin nên hợp tác, hỗ trợ các đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ.

Trong chăn nuôi gà nói riêng và chăn nuôi nói chung, vệ sinh, sát trùng chuồng trại là việc rất cần thiết. Các bước thực hiện vệ sinh, sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình để đạt hiệu quả cao.

Hiện nay ở nước ta, bệnh dịch trên gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và các hộ chăn nuôi nói riêng. Việc sát trùng tiêu độc chuồng trại rất quan trọng và cần thiết vì giúp khống chế bệnh dịch, diệt mầm bệnh trong môi trường, ngăn chặn lây lan bệnh dịch. Sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi giúp tăng hiệu quả chăn nuôi, phát triển bền vững, hạn chế bệnh dịch. Vệ sinh cũng giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Các mầm bệnh (là các vi sinh vật gây bệnh) có sẵn trong môi trường sống của vật nuôi và có thể bùng phát thành dịch bệnh nếu gặp điều kiện môi trường thích hợp, nhưng chúng cũng dễ bị tiêu diệt khi gặp điều kiện bất lợi. Do đó, để hạn chế sự phát triển và bùng phát của mầm bệnh, cần xây dựng chương trình vệ sinh, sát trùng chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Khi xây dựng chương trình phải ghi chép theo dõi về thời gian, loại thuốc, nồng độ... 

Từ đầu năm đến nay, các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, A/H5N8, A/H5N1 xuất hiện rải rác tại các tỉnh thành trong cả nước, gây thiệt hại cho người nông dân. Vì thế, ngành chăn nuôi Hà Nội không chủ quan, quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch cúm gia cầm triệt để nhất, đặc biệt là công tác tiêu độc, khử trùng chuồng trại. 

Văn Giáp