Trung tuần tháng 3 vừa qua, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Chương trình số 03 được kỳ vọng sẽ tạo nên dấu ấn phát triển mới cho Thủ đô trong nhiệm kỳ này.

Mục tiêu qua những con số

Giai đoạn 2016-2020, Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020”.

{keywords}
Chương trình số 03 được kỳ vọng sẽ tạo nên dấu ấn phát triển mới cho Thủ đô. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sau 5 năm chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh đồng thời với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội đã đạt 49,2%; Diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, như: Phát triển đô thị chưa đồng đều và tương xứng với tiềm năng; Tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao; Việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn nhiều vướng mắc, triển khai chậm…

Nhằm bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, Chương trình số 03-CTr/TU đã đề ra mục tiêu tổng quát, 5 mục tiêu cụ thể, 19 chỉ tiêu chủ yếu, 6 nhiệm vụ và 6 giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; Giải quyết được những vấn đề thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị…

Các chỉ tiêu cụ thể cũng đã được đề ra như: Tỷ lệ đô thị hóa 60-62%; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 30-35%; Diện tích nhà ở bình quân/người toàn thành phố đạt từ 27,6 - 29,5m2; Tổng số căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành khoảng 25.000 căn hộ.

Thành phố đặt mục tiêu triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ; Chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954; Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh...

Ngoài ra, triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng 5 huyện (Đông Anh, Gia  Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) đến năm 2025 trở thành quận.

Khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á…

Triển khai quyết liệt

Ngay sau khi chương trình được ban hành, các cấp ngành từ thành phố tới cơ sở đã bắt tay xây dựng và triển khai các kế hoạch nhằm sớm hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, đáng chú ý là việc công bố Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà với diện tích hơn 2.700 ha.

Đây là bước tiến lớn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị tại Hà Nội, không chỉ cụ thể hóa việc triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 mà còn giúp UBND thành phố kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Là cơ sở pháp lý quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai.

{keywords}
Bản đồ quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử được UBND TP Hà Nội phê duyệt

Nhằm phục vụ việc triển khai Chương trình 03-Ctr/TU, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, báo cáo một số nội dung.

Trong đó, Thường trực HĐND TP yêu cầu UBND TP rà soát thực trạng quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP; Nêu rõ số lượng, địa chỉ cụ thể, hiện trạng phân loại và xếp theo từng nhóm, hình thức sở hữu chung, riêng, nhà nước, tư nhân; Rà soát thực trạng công tác quản lý, duy tu, duy trì công viên, vườn hoa trên địa bàn TP; Thực trạng công tác trồng, chăm sóc, duy tu duy trì cây xanh trên địa bàn; Kết quả cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường, tuyến phố thời gian qua… Kèm các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin, sau khi UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị H1-2, quận đang tập trung xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; Tổ chức thiết kế đô thị các tuyến đường mở mới và một số trục đường quan trọng…

Đồng thời, tập trung hoàn thành quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn; Hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố.

Ngoài ra, quận sẽ triển khai mở một số tuyến đường theo quy hoạch và hoàn thành công tác hạ ngầm, chỉnh trang đồng bộ các tuyến phố, bảo đảm tăng tỷ lệ đất giao thông trên địa bàn quận; Chú trọng phát triển công trình tiện ích đô thị, văn hóa nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình, Sở Xây dựng đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để tham mưu xây dựng kế hoạch của UBND thành phố nhằm sớm triển khai chương trình từ quý II/2021.

Riêng với chỉ tiêu phát triển nhà ở, đưa diện tích nhà ở bình quân lên 27,7-29,5m2/người, Sở Xây dựng đang tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn tới năm 2030, trong đó chú trọng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tập trung, triển khai cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sống của người dân; Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lạ chung cư cũ; Chỉnh trang các công trình kiến trúc có giá trị; Triển khai hạ ngầm cáp, viễn thông trên 300 tuyến phố khu vực phố cổ…

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện thì cho hay, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo quy hoạch, Sở sẽ tích cực với các chủ đầu tư triển khai các hệ thống đường vành đai, các nút giao thông, cầu qua sông, trục hướng tâm… để đảm bảo năm 2021, tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 11% diện tích đất đô thị…

Hương Quỳnh