Sau ba năm tiếp tục triển khai đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025, Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu SPCNCL, đạt 146,25% mục tiêu đề ra. Doanh thu của 77 doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2020 ước đạt gần 200 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn một tỷ USD. Trong đó, một doanh nghiệp có doanh thu năm 2019 đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, bảy doanh nghiệp doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng và 14 doanh nghiệp có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Ngoài các doanh nghiệp trong nước còn có 10 doanh nghiệp FDI với các thương hiệu toàn cầu như Toto, Canon, Panasonic…

{keywords}
Hà Nội tạo điều kiện để sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển

Thành phố Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến đầu tư, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực…

Trong đó, việc công nhận và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đã góp phần tăng giá trị thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển bền vững. Đồng thời, thành phố tập trung đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng và hoàn thiện các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo điều kiện phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sự liên kết với các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp 40% đến 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và từ 20% đến 25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, năm 2020 là năm thứ ba Hà Nội triển khai chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực theo đề án đã được UBND thành phố phê duyệt với mục đích tôn vinh các doanh nghiệp có doanh thu cao, có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn về tăng trưởng, xuất khẩu, trình độ sản xuất. Các doanh nghiệp và sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2020 phần lớn là doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, nhiều sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia có thương hiệu quốc tế.

Để nâng cao hiệu quả chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã yêu cầu Sở Công thương tiếp tục nghiên cứu, xem xét tham mưu báo cáo thành phố sửa đổi, bổ sung đề án cho phù hợp thực tế; xây dựng cơ chế, chính sách, các chương trình, kế hoạch cụ thể, xứng tầm dành riêng cho sản phẩm công nghiệp chủ lực để hỗ trợ sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển.

Sở Nội vụ cần phối hợp Sở Công thương tham mưu UBND thành phố thành lập Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực theo đúng quy định hiện hành, để tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp trao đổi, học tập kinh nghiệm, liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tạo kênh thông tin quan trọng để thành phố lắng nghe, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực. Qua đó, góp phần đưa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội trở thành một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước.

Văn Lợi, Hồng Khanh