Theo kế hoạch, năm 2020, Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (3 tháng) cho 13.100 lao động nông thôn, trong đó có 8.322 người học các nghề nông nghiệp, 4.778 người học các nghề phi nông nghiệp. Hoàn thành khóa đào tạo, các địa phương bảo đảm giải quyết việc làm mới cho ít nhất 80% số người học hoặc họ sẽ làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

{keywords}
Sau khi được đào tạo nghề, hơn 80% lao động có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Trao cần câu

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, thu nhập cho lao động nông thôn.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 10 năm qua thành phố đã thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 200 nghìn lao động nông thôn.

Sau khi được đào tạo nghề, hơn 80% lao động có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 8,4% cuối năm 2009 xuống 0,5% vào đầu năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn không ít hạn chế. Ðó là tính ổn định, chất lượng việc làm của lao động nông thôn chưa cao. Phần lớn số lao động có việc làm do họ tự tạo tại gia đình cho nên rất ít trường hợp có thu nhập vượt trội so với nghề cũ. Một số theo học nghề này, nhưng lại đi làm nghề khác.

Năng suất, thu nhập cao hơn

Theo kế hoạch, năm nay, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (ba tháng) cho 13.100 lao động nông thôn, trong đó có hơn 8.320 người học các nghề nông nghiệp, gần 4.780 người học các nghề phi nông nghiệp. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề hơn 36 tỷ đồng.

Mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng đến tính hiệu quả, đúng đối tượng, phù hợp với đặc thù của từng địa phương và chỉ tổ chức đào tạo khi xác định được nơi làm việc cho người lao động. Hoàn thành khóa đào tạo, cần bảo đảm có ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc làm nghề cũ, nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Ðây là chính sách rất nhân văn của thành phố. Ðể việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật sự hiệu quả, Ủy ban nhân dân thành phố cần giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương lựa chọn những cơ sở đào tạo nghề có uy tín.

Hơn thế, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn, như hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề đã được công nhận và đề nghị xét công nhận. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực làng nghề cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất và người lao động của làng nghề. Tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nghề nghiệp, kỹ năng dạy học đối với các nghệ nhân trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn và truyền nghề, nhân cấy nghề.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triển lãm, hội chợ trong nước và nước ngoài để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến, chợ thương mại điện tử; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói.

Đồng thời tập trung kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực nông thôn nơi hoạt động ngành nghề, làng nghề còn nhiều khó khăn; bố trí kinh phí để hỗ trợ công tác phát triển nghề. Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế, đất đai, tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề nông thôn phát triển.

Quốc Tiến