Trợ cấp cho người bán nước vỉa hè, cắt tóc 

Quyết định nêu rõ: Lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 điều 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.

Nhóm lao động tự do khác được hỗ trợ là người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố; bị mất việc làm do phải dừng hoạt động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Phương thức chi trả theo hình thức trực tiếp cho người lao động trên cơ sở danh sách được phê duyệt.

Đối với các trường hợp người lao động bị mất việc làm thuộc các ngành nghề bị tạm dừng hoạt động sau ngày Quyết định số 3642 có hiệu lực thi hành, thì các bên liên quan áp dụng theo văn bản chỉ đạo của UBND thành phố hoặc chính quyền địa phương theo từng thời điểm và diễn biến của dịch Covid-19.

Ngoài nhóm lao động tự do, người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận với nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: Giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thời gian áp dụng 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất (thời gian từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).

Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành LĐTB&XH cùng ngành Thuế sẽ rà soát, sàng lọc, bảo đảm mỗi người chỉ nhận được một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.

Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

Những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP và các địa phương (bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa…). Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ.

Điều này đồng nghĩa, có thể cùng là lao động tự do, nhưng người lao động ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn các địa phương khác. Tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau.

Công khai minh bạch, không trục lợi chính sách

Hà Nội hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 30/6/2022). Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động thực hiện việc chuyển kinh phí cho cơ sở thực hiện việc đào tạo theo phương án đã được phê duyệt.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

{keywords}
Ảnh Văn Lợi

Với chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, người sử dụng lao động lập danh sách người lao động theo hướng dẫn, gửi đến các cơ quan chức năng. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được áp dụng đến hết ngày 31/1/2022. Theo đó, người lao động có nhu cầu hỗ trợ gửi bộ hồ sơ theo quy định đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (tại trụ sở chính hoặc tại 13 điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật, đối tượng hỗ trợ là viên chức hoạt động tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Còn hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị theo hướng dẫn của trung ương và gửi đến Sở Du lịch Hà Nội (nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch). Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Hộ kinh doanh cần hỗ trợ có thể gửi đề nghị theo hướng dẫn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, thì người sử dụng lao động lập danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội để xác nhận.

Người sử dụng lao động gửi bộ hồ sơ đề nghị vay vốn đến phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân để thẩm định, phê duyệt. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25/3/2022.

Ước tính, Hà Nội có hàng trăm nghìn người đủ điều kiện nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Việc thực hiện được đảm bảo công khai, minh bạch, không trục lợi chính sách.

Điều kiện, tiêu chí, quy trình, thủ tục để triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được quy định rõ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nên về cơ bản, Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ theo định hướng của Trung ương.

Riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, trước khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này. Việc này do Cục Thuế TP Hà Nội chủ trì thực hiện. 

Từ cuối tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, toàn TP Hà Nội đã hỗ trợ cho tổng số 515.515 người, với số tiền hơn 608 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm đối tượng là người lao động và hộ kinh doanh có 130.107 người được hỗ trợ với số tiền gần 131,6 tỷ đồng. Nhóm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên có 1.303 người được hỗ trợ với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. 

Nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) có 125.313 người được hỗ trợ với số tiền hơn 125 tỷ đồng...

Phạm Huyền