Đó là PGS.TS Trần Xuân Bách, người được biết đến là một trong những Phó giáo sư trẻ tuổi nhất tại Việt Nam và PGS.TS Trần Thị Lý, người từng được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.

{keywords}
PGS.TS Trần Xuân Bách và PGS.TS Trần Thị Lý

PGS.TS Trần Xuân Bách lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Alberta, Canada vào năm 2011 và là chuyên gia Kinh tế Y tế tại Viện Kinh tế Y tế, Canada vào năm 2013. Năm 2014, anh trở thành thành viên nghiên cứu của Hiệp hội AIDS Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.

Từ năm 2015, PGS.TS Trần Xuân Bách là đồng chủ tịch Mạng lưới Đổi mới Y tế Toàn cầu nhằm thúc đẩy các đổi mới, nghiên cứu và xuất bản hướng tới sức khỏe bền vững. Anh được bầu vào Hội đồng điều hành Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Đức (Leopoldina) vào năm 2018.

Đến năm 2019, PGS.TS Trần Xuân Bách được Đại học Johns Hopkins bổ nhiệm chức danh Giáo sư. Anh cũng là một trong những Giáo sư trẻ tuổi nhất của trường đại học danh tiếng này.

Trong số 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có trích dẫn nhiều nhất do tạp chí PLoS Biology công bố, PGS Trần Xuân Bách cũng là một trong 3 nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách này.

Trước đó, PGS.TS Trần Xuân Bách cũng là một trong những PGS trẻ tuổi nhất Việt Nam, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, là Ủy viên BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Anh xuất bản thường xuyên hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu.

GS.TS Trần Thị Lý (sinh năm 1975), công tác tại Khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Úc. Trước đó, chị từng là giảng viên của Đại học Huế.

GS.TS Trần Thị Lý có nhiều nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, đặc biệt là các nội dung đổi mới giáo dục đại học Việt Nam nhìn từ phương diện quốc tế; mối tương quan giữa chương trình giáo dục đại học và thị trường lao động; khả năng làm việc của sinh viên mới tốt nghiệp; quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam;...

Chị đã giành được 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu cho những thành tích xuất sắc về nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập.

Theo báo cáo của Mạng lưới các nhà nghiên cứu Khoa học Xã hội Việt Nam năm 2019, GS. Lý là tác giả nữ có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất (dựa trên dữ liệu Scopus). Hồ sơ công bố của GS. Lý đặc biệt nổi bật với các dự án nghiên cứu xuyên quốc gia.

Đầu tháng 10 năm nay, Mạng lưới STAR Scholars đã được Noam Chomsky cho phép thành lập Giải thưởng Kết nối Toàn cầu mang tên ông (A. Noam Chomsky Global Connections Award) để tôn vinh sức mạnh kết nối con người và vinh danh những cá nhân có ảnh hưởng sâu sắc tới việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia.

Lễ công bố Giải thưởng lần đầu tiên diễn ra trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị STAR 2020 tại Đại học Mở Nepal, Kathmandu, ngày 9/12 theo giờ Việt Nam, còn vinh danh GS. Elspeth Jones (Vương quốc Anh) với Huân chương Sao Bắc Đầu cho Thành tựu Trọn đời; TS. Raphael Pangalangan (Philippines), TS. Jasper Kun-Ting Hsieh (Úc), TS. Yao-Tai Li (Hồng Kông) và TS. Maria Pilar Lorenzo (Philippines) với Chứng nhận Học giả Ngôi sao mới nổi.

Minh Vy