Nguyễn Hữu Phước Nguyên nhận được học bổng toàn phần của tập đoàn dầu khí Malaysia học tại trường Đại học kỹ thuật PETRONAS theo học ngành Cơ điện tử. Sau đó, anh Nguyên sang Mỹ du học theo học bổng của Nghị viện Mỹ (VEF) lấy bằng thạc sỹ và tiến sỹ ngành Cơ khí ở trường Đại học Michigan (Mỹ) - một trong những trường công lập tốt nhất ở Mỹ và là trường hàng đầu thế giới về ngành Cơ khí.

Anh Nguyên cho biết,  mục đích của anh đi du học là để trở về và cống hiến cho đất nước.

Anh cũng chia sẻ, sau khi học xong, đã có một số công ty ở Mỹ mời anh đến làm việc. Thậm chí, có một số công ty mời anh đến phỏng vấn như Apple, Intel, Ford, GM, McKinsey, JP Morgan Chase... nhưng anh vẫn quyết tâm trở về quê hương.

Sau khi trở về Việt Nam, anh Nguyên trở thành thành viên của mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (gồm 100  chuyên gia trong và ngoài nước) do Chính phủ quy tụ nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nên công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.

Trong lúc bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, anh Nguyên nhận được thư của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gửi các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Mạng lưới tiếp tục chung tay cùng Chính phủ bằng những hình thức, biện pháp khác nhau để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhất là lực lượng y tế ở tuyến đầu phòng chống dịch và những nhóm người dễ tổn thương.

Bộ trưởng kêu gọi các thành viên Mạng lưới đóng góp bằng trí tuệ thông qua việc nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị cho Bộ các giải pháp về chính sách, kinh tế, công nghệ, nhất là các giải pháp về y tế, phòng dịch, miễn dịch… để giúp Việt Nam từng bước vượt qua dịch bệnh nhanh chóng, phục hồi các hoạt động kinh tế, đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Còn Anh Hàn Huy Dũng là một người từ Anh trở về sau một khóa học ngắn hạn vào ngày 14/3.

Đến ngày 18/3, anh nhận tin dương tính virus SARS-CoV-2 và được chuyển cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

{keywords}
Anh Dũng tại phòng cách ly 

Trong những ngày ở bệnh viện, anh Dũng xuất hiện khá nhiều triệu chứng. Ban đầu, anh đau người giống như bệnh cúm, nơi cổ họng có cảm giác ngứa râm ran. Sau đó, cả cơ thể luôn trong trạng thái mỏi nhừ. 

Điều khó khăn nhất mà anh Dũng phải đối mặt những ngày bệnh trở nặng là cơn đau kéo từ nửa đầu sang hai hốc mắt cùng những trận sốt cao suốt nhiều ngày. Khứu giác luôn có kèm một mùi ẩm mốc rất lạ cũng khiến anh Dũng khó ăn uống hơn.

Sự động viên từ các y bác sĩ là một trong những nguồn động lực giúp anh Dũng vượt qua giai đoạn mệt mỏi nhất. Biết anh Dũng khó ăn uống, mỗi buổi tối, các bác sĩ lại vào phòng và hỏi anh muốn thay đổi thực đơn thế nào để họ đem đến vào hôm sau. Chỉ hành động nhỏ này cũng khiến anh Dũng rất cảm động. 

Anh Dũng bảo, các triệu chứng của anh khá nhẹ nên các bác sĩ có thể nhàn hơn. Tuy nhiên, với những ca bệnh nặng, nhân viên y tế phải chăm sóc từng chút một, vô cùng vất vả. Những hình ảnh ấy khiến suy nghĩ cần phải làm gì đó lại một lần nữa thôi thúc người giảng viên.

Nhớ lại thời gian ở bên Anh, sân bay Nội Bài, khi ở khu cách ly tập trung hay chuyển tới bệnh viện, anh Dũng nhận thấy rất nhiều nơi đặt các dung dịch rửa tay khô. Thế nhưng, việc làm sạch tay theo cách này hay bằng vòi nước thông thường đều có nhược điểm là ít nhất 1 ngón tay vẫn phải chạm vào bình chứa dung dịch. Khi ấy, bàn tay hoàn toàn có thể trở thành nguồn lây lan virus.

Ý tưởng về chiếc máy rửa tay tự động dần xuất hiện trở lại trong tâm trí anh. Tiến sĩ Dũng chia sẻ, sản phẩm máy rửa tay không chạm hiện có nhiều ở nước ngoài, tuy nhiên giá thành khá cao, những sản phẩm giá thấp thì lại không đảm bảo chất lượng.

Suy nghĩ này đã được anh tâm sự với người bạn thân, là Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước Nguyên, giám đốc công ty sản xuất xe máy điện Selex.

Ngay lập tức, anh Dũng nhận được sự hưởng ứng từ người bạn của mình.

Dự án sản xuất máy rửa tay không chạm giá rẻ được triển khai với đội ngũ kỹ sư hàng chục người. Trong đó, TS Hàn Huy Dũng phụ trách thiết kế và những việc liên quan đến điện tử, chế tạo máy.

Mục tiêu của nhóm trong vòng ba tuần phải hoàn thành thiết kế và sẵn sàng sản xuất hàng loạt với giá hợp lý để kịp thời phục vụ cộng đồng khi hết cách ly. Tuy nhiên trong bối cảnh cách ly toàn xã hội, việc tìm được linh kiện phù hợp trong và ngoài nước là thách thức không nhỏ.

Gần một tuần sau, mô hình bằng gỗ của chiếc máy rửa tay không chạm được hình thành. Máy hoàn toàn tự động, khi người sử dụng đưa tay vào ngăn rửa trong thời gian 2 giây, máy sẽ tự phun dung dịch vừa đủ, sau đó đưa tay ra ngoài và xoa đều làm sạch. Điều này không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn sử dụng một lượng dung dịch sát khuẩn vừa đủ, không gây lãng phí. Đặc biệt người dùng sẽ tránh được việc tiếp xúc với bề mặt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid -19.     

Trong 3 tuần, hai anh đã đã tập trung nguồn lực ở công ty để thiết kế và tìm phương án sản xuất sản phẩm. Đây là một thử thách khá khó vì sản phẩm có nhiều thành phần không sẵn có ở trong nước và trong tình cảnh biên giới đóng cửa, việc tìm được đối tác cung cấp với giá hợp lý không hề dễ dàng.

Sau khi ra đời, dự án đã tặng hàng chục máy rửa tay tự động cho bệnh viện và trường học cần gấp. Giá thành của loạt máy đầu tiên ở mức thấp nhất trên thị trường, bằng 1/3 so với giá sản phẩm ngoại nhập cùng chất lượng.

Anh Nguyên chia sẻ, điều vui nhất với anh là trong thời gian cách ly xã hội, anh và những người bạn vẫn có thể làm được việc ý nghĩa, góp một phần nhỏ vào công cuộc chống dịch Covid-19.

Hoa Lan