Năm 2019 và 2020, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang đã triển khai được một số ứng dụng công nghệ cơ bản trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử và bước đầu ghi nhận một số kết quả quan trọng.

Đó là hệ thống thư điện tử; ứng dụng cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp; Cổng thông tin điện tử của tỉnh; hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; ứng dụng app Hậu Giang, Hệ thống quản lý văn bản điều hành…

{keywords}
Hậu Giang sẽ triển khai các ứng dụng thông minh chuyển đổi số trong nông nghiệp, du lịch...

Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức quen với việc trao đổi văn bản điện tử, người dân dần quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng được công khai, giúp tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nâng lên và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Để triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hiệu quả hơn Hậu Giang sẽ xây dựng những chính sách, tạo nền tảng đầu tiên để thực hiện, gồm xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành tới đây.

Tiếp đó, xây dựng nghị quyết trình HĐND thông qua Đề án chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh. Trong dự thảo Đề án chính quyền điện tử mà Sở đang trình có giải pháp khắc phục khó khăn về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, tức là phải mua sắm máy móc mới cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

"Trước mắt, chúng tôi tiếp tục nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật, máy móc, trang thiết bị, đường truyền internet cho các cơ quan; tiếp tục hoàn thiện những ứng dụng cơ bản để đảm bảo thực sự hoạt động trơn tru, đóng góp thiết thực cho công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước và tăng cường sự tương tác giữa cơ quan nhà nước với người dân", ông Lã Hoàng Trung Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang cho biết.

Trần Chung